Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao trên thế giới với 72,9%. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường các biện pháp bảo vệ thai sản, trao quyền cho lao động nữ. Các chính sách này đang phát huy hiệu quả tốt trong thực tiễn khi có ngày càng nhiều lao động nữ được hưởng lợi.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố “Kết quả khảo sát đời sống gia đình công nhân lao động và tình hình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chương trình Alive & Thrive tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội.
Tiết kiệm 12% thu nhập nhờ nuôi con bằng sữa mẹ
Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện cho thấy người lao động đánh giá cao nhiều biện pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và công đoàn cơ sở nhằm giúp họ cải thiện đời sống của gia đình.
Qua khảo sát, đa số công đoàn cơ sở đã đàm phán thành công với người sử dụng lao động hỗ trợ tiền gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi, hỗ trợ tiền nhà ở cho công nhân ở xa, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ để đảm bảo sức khỏe và chức năng sinh sản. Nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt đầy đủ phòng vệ sinh, phòng tắm, không gian vắt trữ sữa tại nơi làm việc cho lao động nữ nuôi con nhỏ. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng đảm bảo bình đẳng giới trong môi trường làm việc, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho công nhân, bổ sung chế độ phụ cấp đi lại.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho thấy trên 98% người lao động tham gia hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định “mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa.” 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được chi phí trung bình cho việc thiết lập một phòng vắt, trữ sữa ở mức khoảng 15-20 triệu đồng.
Bà Trần Thu Phương, Trưởng phòng lao động nữ, Ban Nữ công (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết năm 2014, cả nước chỉ có 70 phòng tại 14 tỉnh thành. Đến tháng 5/2020 sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, cả nước đã có 826 phòng vắt trữ sữa được thiết lập ở 515 cơ quan, doanh nghiệp ở 40 tỉnh, thành phố.
Đánh giá về các biện pháp các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thực hiện, bà Phan Thị Hồng Linh, Phó giám đốc Khu vực Đông Nam Á của chương trình Alive & Thrive cho biết: “Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc.”
Bà Phan Thị Hồng Linh giải thích thêm: “Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình công nhân lao động cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó mà bố mẹ có thể tập trung vào công việc.”
Quy hoạch khu công nghiệp: Phải tính đến dịch vụ phụ trợ
Mặc dù đời sống được cải thiện nhưng một số người lao động vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn chế về thu nhập và kiến thức như vẫn còn tình trạng công nhân nhập cư phải thuê trọ. Một số gửi con về quê cho ông bà trông, tình trạng tăng ca, làm thêm giờ, ít có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động.
Một số doanh nghiệp được khảo sát chưa có thời gian và nhân lực để quan tâm sâu sát đến đời sống hôn nhân gia đình của người lao động, một số lao động nữ gặp khó khăn trong phân công công việc nhà, đảm bảo bình đẳng giới và duy trì đời sống hôn nhân lành mạnh, gây ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt và sáng tạo hơn nữa từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Chia sẻ về giải pháp nhằm giúp công nhân cải thiện đời sống gia đình, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm quy hoạch các khu công nghiệp có tính toán đến các dịch vụ phụ trợ phục vụ sinh hoạt vật chất và tinh thần cho công nhân lao động như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, nhà văn hóa…”
“Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ y tế sớm nghiên cứu ban hành các quy chuẩn về buồng tắm, buồng vệ sinh, phòng vắt trữ sữa để đảm bảo tốt sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ,” bà Trịnh Thanh Hằng nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cần đẩy mạnh các nhóm giải pháp hỗ trợ công nhân nâng cao chất lượng đời sống gia đình như tăng cường lãnh đạo, tổ chức và quản lý công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho công nhân lao động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong các khu công nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong đó quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ và lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp. Nhờ các chính sách này, người lao động có thể tập trung và tăng cường hiệu quả công việc.
Bà Phan Thanh Minh, Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, Chính phủ đã quy định chi tiết Bộ Luật Lao động mới, Luật Bảo hiểm xã hội trong đó có nhiều điểm mới cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ...
“Các quy định khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc,” bà Phan Thanh Minh nói./.