Tăng cường truyền thông phòng chống xâm hại và bóc lột trẻ em

UNICEF phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo truyền thông phòng chống xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
Đại diện trẻ em trình bày về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2013. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Ngày 10/7, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo truyền thông phòng chống xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.

Hội thảo nhằm thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em, giảm thiểu số trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực về thể chất và tinh thần, đảm bảo tất cả trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Tại hội thảo, bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết những năm qua, Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giúp đỡ những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các loại tội phạm và tai nạn thương tích đối với trẻ em vẫn còn xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của gia đình, cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ; chưa tạo được môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ. Hệ thống bảo vệ và mạng lưới dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ chưa phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn.

Cách hành xử bạo lực diễn ra giữa người lớn với nhau trong gia đình và sự trừng phạt, dạy dỗ con trẻ bằng các hình thức thô bạo của các phụ huynh đã tạo cho trẻ thói quen sử dụng bạo lực và mang đến hệ lụy về sự rối nhiễu tâm lý con trẻ. Mặt khác, do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa như phim ảnh, sách báo, game online, đồ chơi mang tính bạo lực… đã tác động không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của một bộ phận trẻ em. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực.

Để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, theo bà Lê Thị Xưa, Trưởng phòng Bảo vệ-Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận): Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004; trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em đồng thời xây dựng hệ thống thông báo về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em một cách chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương và lồng ghép các khâu phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ phục hồi cho trẻ bị xâm hại để tránh dẫn đến trẻ có hành vi rối loạn, trầm cảm, hung hãn, thậm chí tự tử.

Ngành chức năng cần nhân rộng mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ; phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên đến tận thôn, khu phố; rà soát thực trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và có giải pháp quản lý, giáo dục, bảo vệ đối tượng trẻ em này; quan tâm đầu tư nguồn kinh phí xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo theo bà Lê Thị Xưa, truyền thông có sức lan tỏa rất lớn, vì vậy cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các gia đình trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cần có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại và bạo hành.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương cần chủ động tham mưu với chính quyền địa phương để xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa để giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng đuối nước và bóc lột lao động trẻ em…

Nhân dịp này, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã đề xuất những nguyên tắc đưa tin về bạo lực trẻ em cho phóng viên các báo, đài để vừa đảm bảo việc tuyên truyền phục vụ lợi ích của công chúng, vừa không ảnh hưởng tới các quyền của trẻ em, tránh nguy cơ trẻ bị trả thù hoặc bị miệt thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục