Tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho các cộng đồng ven biển

Trong năm 2018, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) đã hỗ trợ xây dựng 1.092 ngôi nhà an toàn chống bão lũ; hỗ trợ trồng và phục hồi được 199,46ha rừng ngập mặn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển.
Rừng trồng ngập mặn ven phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Bộ Xây Dựng và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" năm 2018.

Đây là dự án đầu tiên được Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ và thực hiện trong 5 năm (2017-2021).

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc dự án, năm 2018, dự án đã hỗ trợ các tỉnh xây dựng 1.092 ngôi nhà an toàn chống bão lũ; hỗ trợ trồng và phục hồi được 199,46ha rừng ngập mặn.

Việc này cơ bản tháo gỡ khó khăn về xác định diện tích và đơn giá trồng, phục hồi rừng ngập mặn thông qua lồng ghép với các chương trình, dự án hiện có của Chính phủ, đồng thời đề xuất một số mô hình sinh kế tiềm năng giúp cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng do tác động của trồng và phục hồi rừng ngập mặn; hỗ trợ và thực hiện 10 khóa tập huấn TOT (Trung ương, vùng, và cấp tỉnh) và 100 khóa tập huấn TOF (cấp xã).

[Phát triển du lịch rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản]

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc như xác định đối tượng đưa vào danh sách các hộ gia đình hưởng lợi để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bố trí vốn đối ứng cho hoạt động xây dựng nhà an toàn chống bão lụt của hầu hết các tỉnh; xác định diện tích trồng rừng ngập mặn (trồng bổ sung và trồng mới); đơn giá trên xuất đầu tư trồng rừng thực tế tại các tỉnh cao hơn văn kiện dự án...

Rừng trồng ngập mặn ven phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận sự tham gia tích cực của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng trong việc hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại các tỉnh thông qua các hoạt động của dự án.

Các hợp phần của dự án đang trong quá trình thực hiện và đảm bảo các khoản đầu tư trong dự án được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Có thể nói năm 2018 là năm thành công của Dự án, việc giải ngân vốn đối ứng cho các đối tượng hưởng lợi trong hợp phần xây dựng nhà chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đề cập đến kế hoạch hoạt động của dự án năm 2019, ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án của UNDP cho hay, dự án sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng nhà an toàn chống bão lụt cho 1.380 hộ dân tại 5 tỉnh của dự án; rà soát và phê duyệt danh sách hộ hưởng lợi năm 2019 và 4.000 hộ cho toàn dự án; tổ chức các hoạt động truyền thông và cuộc thi mẫu thiết kế nhà an toàn; xây dựng hệ thống giám sát nhà an toàn chống bão lụt; đề xuất chương trình mới về nhà an toàn chống bão lụt tại 28 tỉnh ven biển.

Cùng với đó, dự án sẽ hỗ trợ triển khai hoạt động phục hồi rừng ngập mặn hơn 1.386ha và tiếp tục chăm sóc 199,46ha tại 5 tỉnh; hỗ trợ rà soát 875ha còn thiếu để đáp ứng mục tiêu 4.000ha; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu rừng ven biển Việt Nam và triển khai các phương án để liên kết dữ liệu rừng ngập mặn vào website: climaterisk.org.vn; hỗ trợ triển khai các hoạt động sinh kế và kế hoạch lồng ghép giới; hỗ trợ các hoạt động giám sát rừng ngập mặn, đo đếm cacbon và các hoạt động truyền thông liên quan đến rừng ngập mặn.

Dự án hỗ trợ áp dụng thông tin rủi ro thu thập từ các hoạt động của dự án và tiếp thu ý kiến các bên liên quan giúp Tổng cục Phòng chống thiên tai cải thiện công tác lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng cấp tỉnh; xây dựng dự thảo Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với công tác thu thập dữ liệu số về rủi ro thiên tai và phục hồi, đồng thời nâng cấp cơ sở dữ liệu triển khai nghị định 43 Khung hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai; xây dựng kế hoạch cải thiện các hệ thống hiện hành hiệu quả hơn, xây dựng bản đồ và chia sẻ thông tin rủi ro và cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu thảm họa, nâng cao năng lực ở địa phương; nghiên cứu sáng kiến tài chính để giải quyết tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục