Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn thứ ba trong tổng số 34 đồng bằng châu thổ lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau đồng bằng Amazon (Nam Mỹ) và đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ).
Vùng đất này được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ sinh thái đa dạng, kết hợp với tinh hoa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, hiện mô hình kinh tế này ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phát triển manh mún và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Còn nhiều thách thức
Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa.
Bên cạnh mô hình du lịch truyền thống, mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp, một loại mô hình kinh tế mới dựa trên những giá trị tự nhiên của ngành nông nghiệp, như lễ hội dân gian gắn với đời sống của cư dân vùng Nam bộ, chợ nổi, chèo ghe trên sông rạch, thăm vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực thời khẩn hoang... góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho miền đồng bằng châu thổ này.
Theo ông Dũng, sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ (cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy - tỉnh Bến Tre, cồn tiên - tỉnh Đồng Tháp, cồn Mỹ Phước - tỉnh Sóc Trăng...), khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao (Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Hạ - tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang, Tràm Chim - tỉnh Đồng Tháp, Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang), Vườn Chim - tỉnh Bạc Liêu, Vườn Chim - tỉnh Đồng Tháp...
[Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều tín hiệu tích cực]
Ngoài ra, nằm ở hạ lưu sông Mekong với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu rất hấp dẫn du khách. Trong đó, khai thác du lịch dựa trên các hoạt động sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng-vựa lúa lớn nhất của cả nước; cây trái nhiệt đới và khu vực nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất cả nước; các yếu tố văn hóa của cộng đồng nơi miệt vườn sông nước qua phiên chợ nổi nhộn nhịp vào các buổi sáng như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng); văn hóa tâm linh, lễ hội, đờn ca tài tử...
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng so sánh trong tổng thể phát triển du lịch chung của cả nước, tốc độ phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long về tăng trưởng khách, doanh thu, mức đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa thực sự có bước đột phá, tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước.
Cụ thể, năm 2017, Đồng bằng sông Cửu Long đón tiếp trên 20 triệu lượt khách, tăng trung bình 9%/năm. Tuy lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp, hầu hết các tour kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 80%) và đi tour ngắn ngày (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Thời gian lưu trú thấp dẫn tới chi tiêu của khách thấp, mỗi du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long chi tiêu không quá 22 USD/ngày, thấp hơn so với mức bình quân của khách du lịch Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa tương xứng của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là các sản phẩm du lịch nông nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa hấp dẫn, đơn điệu về dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. Phần lớn các trang trại, nhà vườn du lịch chưa được đầu tư theo chiều sâu với quy mô, chất lượng để có thể trở thành sản phẩm chuyên biệt, có năng lực cạnh tranh cao. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên có sẵn nên nghèo nàn, trùng lặp; đặc biệt, giữa các địa phương có chung điều kiện sinh thái tự nhiên.
Bên cạnh đó, là sự lúng túng của các địa phương, nhất là việc chưa tìm ra bản sắc riêng cho mình, cũng như chưa xác lập được các sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển, tạo nên những sản phẩm du lịch mới. Các mô hình du lịch nông nghiệp trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách. Việc khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn thiếu tính sáng tạo, chưa khai thác giá trị từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chưa chú trọng đến nhu cầu của du khách; tour du lịch phổ biến tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được khai thác chủ yếu là tham quan miệt vườn, sông nước, chợ nổi, thưởng thức các loại bánh, trái cây, nghe đờn ca tài tử...
Sự kết nối giữa du lịch và nông nghiệp với các ngành khác chưa hiệu quả. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú (homestay) và dịch vụ du lịch đang phát triển nhanh ở nhiều địa phương nhưng quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thiếu chuyên nghiệp...
Hướng phát triển mới cho nông thôn
Lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp-nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần có chiến lược về phát triển sản phẩm một cách chuyên nghiệp, mang tính bền vững.
Thạc sỹ Phan Đình Huê, Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết khách di tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình hoặc bạn bè. Họ chỉ đi tour bằng xe lớn khi dịch vụ tại điểm đến là dành cho nhóm nhỏ, chia ra nhiều hộ gia đình hoặc trang trại khác nhau. Bên cạnh đó, khách dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động, hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh. Vì vậy, sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt với việc chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến thành nhà nông kiêm hướng dẫn viên tại điểm, với dịch vụ riêng biệt cho từng nhóm nhỏ.
Theo thạc sỹ Phan Đình Huê, để giữ chân du khách, các tỉnh Đồng đồng sông Cửu Long phải xây dựng hệ thống lưu trú đáp ứng theo từng nhu cầu của du khách, mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng vùng quê, địa phương. Kinh nghiệm ở các quốc gia có ngành du lịch nông nghiệp-nông thôn phát triển, là họ chia ra các loại hình lưu trú khác nhau, như homestay (ở nhà dân) là hình thức chia chung không gian ngủ, hoặc có phòng riêng nhưng gắn với sinh hoạt của chủ nhà; farmstay là hình thức ở trong khuôn viên với chủ một trang trại hay nhà vườn, nhưng riêng biệt hơn; lodge, bungalow là loại hình lưu trú ở làng quê và thường không gắn với chủ nhà (loại hình này được tổ chức cao cấp và riêng biệt); resort - các khu nghỉ dưỡng ở vùng quê, cạnh sông, cạnh đồng lúa; hotel - các khách sạn trong vùng quê hoặc các thị trấn, khu đô thị vùng quê có sân vườn rộng rãi.
“Tùy mỗi loại hình lưu trú mà chủ nhà/chủ trang trại/nhà đầu tư có cách bố trí dịch vụ khác nhau. Dòng khách của mỗi loại sản phẩm cũng không giống nhau, như khách châu Âu hiện nay thích nhất là ở homestay, trong khi khách Việt Nam ưa chuộng farmstay hơn,” thạc sỹ Phan Đình Huê nhận định.
Đề cập đến tiềm năng phát triển kinh tế với mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết khả năng phát triển kinh tế dựa trên mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là rất lớn. Trong đó, mô hình du lịch kinh tế nông nghiệp chủ yếu tập trung trên bốn phương diện về cảnh quan sinh thái, phương thức sống, phát triển canh tác và sản phẩm, sản vật tạo ra từ nông nghiệp.
"Nhiều hình ảnh về sinh cảnh, về cuộc sống của nông nghiệp nông thôn là những tài nguyên hết sức quý giá để phát triển thành sản phẩm du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đồng thời, tạo cơ hội cho khách du lịch nước ngoài được trải nghiệm, cho người dân Việt Nam sinh sống tại các thành phố được gần gũi và hiểu rõ hơn về khởi nguồn đất nước, một đất nước bắt đầu từ nền nông nghiệp," Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lâm Thanh Bình cho rằng để đẩy mạnh hơn nữa du lịch nông nghiệp trong thời gian tới, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, chủ thể chính là nông dân, tiếp đó là các doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại... Đặc biệt, cần có những kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp cụ thể, khoa học, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, khẳng định phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới là góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn ở những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Qua đó, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt, thúc đẩy xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Ông Tiến đề xuất để nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông; thắt chặt sự liên kết giữa các địa phương...
Đặc biệt, cần có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có chất lượng, kết hợp với dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc dân tộc của từng vùng miền. Qua đó, khai thác tối đa được các tiềm năng du lịch nông nghiệp vốn có, góp phần đưa mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nông thôn thời gian tới./.