Tặng Kỷ niệm chương cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto

Đại sứ Kari Kahiluoto đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn, chất lượng không khí.
Tặng Kỷ niệm chương cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto ảnh 1Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam. (Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam.

Đây là phần thưởng dành cho các cán bộ của ngành Tài nguyên và Môi trường sau khi hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước và có những đóng góp cho ngành.

Tại lễ trao tặng, chúc mừng Đại sứ Kari Kahiluoto đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ cảm ơn Đại sứ quán Phần Lan và cá nhân Đại sứ Kari Kahiluoto đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn, chất lượng không khí và khí tượng thủy văn, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam; tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan sẽ ngày càng bền chặt. Hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những kết quả cụ thể và tốt đẹp hơn.

[Tài nguyên-môi trường dần trở thành ngành kinh tế quan trọng]

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Đại sứ Kari Kahiluoto sẽ luôn lưu giữ những kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp về đất nước con người Việt Nam, tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam.

Bày tỏ vinh dự khi đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Tài nguyên và Môi trường,” Đại sứ Kari Kahiluoto đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác Việt Nam trong triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ của Phần Lan trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam.

Theo Đại sứ Kari Kahiluoto, công tác bảo vệ môi trường luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách và hoạt động phát triển.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, mục tiêu phát triển này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao tiêu chuẩn và điều kiện sống cho toàn dân.

Phần Lan luôn tự hào đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực thiết yếu đầu tiên như: cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước.

Việt Nam và Phần Lan đang cùng hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Cả hai nước đều nhận thấy là đối tác tin cậy và bổ sung lẫn nhau trong các sáng kiến kinh tế tuần hoàn.

Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ Kari Kahiluoto đã góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác trao đổi mô hình và kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế tuần hoàn với Việt Nam, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn đặc biệt là rác thải đô thị từ Phần Lan tới Việt Nam.

Đại sứ Kari Kahiluoto cũng góp phần tăng cường hợp tác trao đổi trong lĩnh vực giám sát chất lượng không khí tại các thành phố lớn, lĩnh vực khí tượng thủy văn phục vụ đời sống và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam; tích cực kết nối đóng góp và xây dựng luật môi trường tại Việt Nam.

Việt Nam và Phần Lan đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và có những hoạt động hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực. Môi trường luôn là lĩnh vực trung tâm của hợp tác hữu nghị Việt Nam-Phần Lan.

Những dự án chương trình lớn được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Phần Lan, mang lại những cơ sở hạ tầng thiết yếu góp phần vào sự phát triển, cải thiện điều kiện sống của người dân và chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp công nghệ của Phần Lan tới Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục