Tăng lương tối thiểu vùng cao có khiến người lao động mất việc làm?

Một mức lương tối thiểu vùng cao sẽ giúp người lao động có một cuộc sống tốt hơn nhưng ngược lại cũng có thể khiến người lao động mất việc hoặc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm để tiết kiệm chi phí.
(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Cho đến nay ở Việt Nam, mặc dù đã qua ba lần thương lượng về mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm nhưng chưa có các công cụ để đánh giá các tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Một mức lương tối thiểu vùng cao có thể giúp người lao động có một cuộc sống tốt hơn nhưng ngược lại cũng có thể khiến người lao động mất việc hoặc doanh nghiệp trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động để tiết kiệm chi phí khi phải tăng lương.

Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi toạ đàm “Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội” do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) và Viện Hanns Seidel (Đức) tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội.

Tiền lương tối thiểu trước hết nhằm bảo vệ người lao động, đặc biệt là người yếu thế trên thị trường lao động, do vậy, đây là lưới an sinh xã hội quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc ấn định một mức lương tối thiểu cao hay thấp có thể tác động mạnh đến cung cầu lao động trên thị trường, thậm chí là ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội.

Mức lương tối thiểu cao sẽ làm chi phí lao động cao, tỷ lệ lợi nhuận thấp đi nên doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi cơ cấu đàu tư vào máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động, do vậy số việc làm sẽ thấp đi và thất nghiệp có thể sẽ tăng.

Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và xã Xã hội nhận định, việc điều chỉnh lương tối thiểu thậm chí có thể sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt việc giảm, trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ tăng cao.

“Theo dự báo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tiền lương tối thiểu thực tế lên 3%, sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Tương tự, nếu tăng lương tối thiểu thực tế lên 5%, sẽ có khoảng 17.000 lao động bị giảm/trốn đóng bảo heierm xã hội trong ngắn hạn và khoảng 51.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn…. Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia bảo hiểm xã hội,” bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, đặc biệt là khả năng chi trả của doanh nghiệp, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập, tiền lương trước và sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu…

Tuy nhiên, ở một góc độ khác các chuyên gia cho rằng việc tăng tiền lương tối thiểu cũng có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm trong tương lai. Tăng tiền lương sẽ có tác dụng kích thích tăng chi tiêu cảu dân cư, do vậy sẽ kích thích tăng tổng cầu về hàng hoá, dịch vụ.

Đặc biệt, việc tăng tiền lương của nhóm người có thu nhập thấp sẽ có tác động làm tăng tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ có hàm lượng lao động cao. Do vậy sẽ có tác dụng khuyến khích phát triển sản xuất, dẫn đến tăng việc làm trong tương lai.

Việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ có tác dụng kích thích người chủ chuyển đầu tư từ ngành thu hút nhiều lao động có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao và do vậy có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế. Đối với một số ngành thiếu lao động, việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ dẫn tới tăng việc làm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục