Tăng năng suất: Chính sách tốt thực hiện chậm vẫn chỉ là chính sách

Thực trạng chất lượng lao động hiện nay của nền kinh tế nước ta chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thị trường lao động Việt Nam có một số hạn chế đáng lo ngại.
Năng suất thấp gây thêm khó khăn cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tổng cục Thống kê vừa công bố “Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp.”

Báo cáo này cho thấy mặc dù đã được cải thiện, nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

[Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động]

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tăng năng suất lao động nhưng chính sách tốt mà thực hiện chậm vẫn chỉ là chính sách.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, mặc dù đã được cải thiện, nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp so với các nước trong khu vực là do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từ các ngành sử dụng nhiều lao động, có năng suất lao động thấp sang các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, có năng suất lao động cao hơn còn chậm.

Không những thế, lao động trong nông nghiệp và lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; máy móc thiết bị, quy trình công nghệ dùng trong sản xuất lạc hậu; khu vực doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô không hợp lý để đạt năng suất lao động cao hơn; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập.

Và cuối cùng là các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cải cách hành chính ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động của nền kinh tế nước ta.

- Tình trạng năng suất lao động của Việt Nam chậm được cải thiện phản ánh điều gì, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Năng suất lao động chậm được cải thiện, chênh lệch tuyệt đối tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta suy giảm so với các nước; sản phẩm Việt có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp gây thêm khó khăn cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; khó thu hút được các dự án FDI đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao, điều này đưa đến kinh tế Việt Nam dễ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

- Trong những năm vừa qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực đã đóng góp đáng kể vào việc tăng năng suất lao động của Việt Nam. Đây liệu có thể tiếp tục là động lực cho việc tăng năng suất thời gian tới không, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế được tạo ra qua ảnh hưởng của 3 nhóm yếu tố: quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao năng suất lao động trong nội tại các ngành kinh tế (năng suất lao động nội ngành); thực hiện đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng suất lao động nội ngành.

Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chỉ là một động lực tăng năng suất lao động, nhưng động lực này không đóng vai trò quan trọng bằng nâng cao năng suất lao động nội ngành và không còn nhiều dư địa.

Xưởng may gia công hàng xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

- Thưa ông, có 2 yếu tố có thể thúc đẩy tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp đó là nhân lực và máy móc. Ông đánh giá thế nào chất lượng của cả 2 yếu tố này để đáp ứng nhu cầu tăng năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Đối với doanh nghiệp có 5 nhóm yếu tố tác động đến năng suất lao động: trình độ và kỹ năng của người lao động, năng lực quản trị doanh nghiệp; tài sản, trang thiết bị, công nghệ sử dụng trong sản xuất; tham gia vào thị trường toàn cầu và đổi mới sáng tạo; quy mô của doanh nghiệp; mức độ tập trung đô thị hoá và vị trí địa lý nơi doanh nghiệp thực hiện sản xuất.

Thực trạng chất lượng lao động hiện nay của nền kinh tế nước ta chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thị trường lao động Việt Nam có một số hạn chế đáng lo ngại.

Cụ thể, cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; cơ cấu lao động theo ba khu vực kinh tế chưa hợp lý, lao động làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tới 27,5% tổng số; số lượng lao động tăng nhanh nhưng ở khu vực phi chính thức; tính bấp bênh và dễ bị tổn thương đến việc làm và thu nhập của người lao động khá cao; lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng.

Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Lao động không có trình độ chiếm 72,5% trong tổng số lực lượng lao động; trình độ sơ cấp 6,8%; trình độ trung cấp 4,3%; cao đẳng 3,7%; đại học trở lên 12,5%.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản nhận định trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp của lao động Việt Nam là một trong các yếu tố khiến Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất khu vực.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành phản ánh trình độ công nghệ dùng trong sản xuất của nền kinh tế chủ yếu hoạt động gia công lắp giáp, thâm dụng lao động.

Máy móc thiết bị và quy trình công nghệ dùng trong sản xuất còn lạc hậu.

Phần lớn doanh nghiệp có trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Kinh nghiệm cho thấy đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn cho tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động, tuy vậy công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta vẫn là lĩnh vực có xếp hạng thấp trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (GCI 4.0) năm 2019 chỉ ra Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia về chỉ số GCI 4.0, nhưng chỉ xếp thứ 93 về kỹ năng, thứ hạng thấp nhất trong 13 chỉ số.

- Theo ông, đâu là các giải pháp để Việt Nam có thể thúc đẩy tăng năng suất lao động có hiệu quả hơn?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Có 3 nhóm giải pháp nâng cao năng suất lao động gồm: giải pháp về thể chế chính sách; giải pháp chung cho toàn nền kinh tế và giải pháp cho khu vực doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về năng suất lao động với mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn để bắt kịp các nước.

Cùng với đó, Chính phủ ban hành và thực thi các giải pháp đột phá, tạo điều kiện và áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cải cách thể chế, xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn ảnh hưởng đến năng suất lao động của nền kinh tế.

Với nhóm giải pháp chung cho nền kinh tế, điều quan trọng cần giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng kỹ thuật số; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, vận tải, logistics để giảm thiểu chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút FDI có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho khoa học công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, chủ động tham gia các FTA để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, liên kết với các tập đoàn nước ngoài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao.

Với nhóm giải pháp cho khu vực doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; đổi mới quy trình công nghệ sản xuất; sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp phù hợp với từng ngành, từng vùng kinh tế; đồng thời, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, quản lý.

- Trong bối cảnh sắp xếp tinh giản bộ máy, biên chế, ông lại đề cập đến giải pháp cần có của cơ quan thực thi về năng suất lao động. Xin ông chia sẻ rõ hơn quan điểm này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Paul Krugman nhà kinh tế học người Mỹ đạt giải Nobel khẳng định: "Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn năng suất gần như là tất cả,” điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.

Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chính sách và giải pháp của Chính phủ về năng suất lao động đã được ban hành khá đầy đủ, vấn đề hiện nay là triển khai thực hiện.

Để thực hiện cần có Cơ quan thực thi về năng suất lao động. Vì vậy, tôi thấy phải thành lập Uỷ ban Năng suất lao động Quốc gia và có Cơ quan thường trực với chuyên môn sâu để chỉ đạo và phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Ủy ban Năng suất lao động Quốc gia có quy chế hoạt động đặc biệt, có đủ thẩm quyền, chế tài đủ mạnh, đủ kinh phí để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan thực hiện thành công các chủ trương, nghị quyết, chính sách và giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Cho đến nay, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tốt nhưng triển khai thực hiện chậm, kém hiệu quả. Chính sách tốt nhưng thực hiện chậm vẫn chỉ là chính sách.

- Xin cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục