Tăng năng suất lao động: "Chìa khóa" để cạnh tranh và tránh tụt hậu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế nếu như nhược điểm về năng suất thấp không được khắc phục trong thời gian tới.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam còn chậm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN. Trong khi đó, những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ dừng ở mức hơn 3%/năm. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ, Việt Nam sẽ phải vượt qua thách thức cải thiện năng suất lao động của cả người lao động và của doanh nghiệp.

Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại buổi toạ đàm "Năng suất lao động - vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng ngày 14/10 tại Hà Nội.

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Thậm chí trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam đã đưa ra cảnh bảo, năng suất lao động thấp là dấu hiệu đáng lo ngại. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN. Trong 3 năm 2011-2013, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm. Nếu duy trì tốc độc tăng năng suất lao động này thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), năng suất thấp chính là nguyên nhân chính kìm hãm năng lực cạnh tranh - chìa khoá của tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế nếu như nhược điểm về năng suất của chúng ta không được khắc phục.

Để cải thiện năng suất lao động, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tăng cường trình độ cho người lao động phát huy hết khả năng. Người lao động cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao để cải thiện năng suất lao động.

“Người chủ doanh nghiệp cho mình là trên hết, không tạo được động lực cho người lao động phát triển những sáng kiến cải tiến, thậm chí có nhiều doanh nghiệp vùi dập thành quả cải tiến của người lao động. Nếu giữ nguyên cách làm này thì không thể phát triển, không thể tăng năng suất lao động,” ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Khi bàn đến vấn đề cải thiện năng suất lao động, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn ( Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) phân tích, trong giai đoạn 2007-2013, cơ cấu lao động vẫn chuyển dịch rất chậm chạp. Lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến năng suất lao động chung của Việt Nam thấp và nguy cơ tụt hậu tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực. Vì vậy, muốn tăng năng suất lao động quốc gia thì quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động cần phải được thực hiện nhanh hơn.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế về trình độ kỹ năng nghề, chuyên môn của người lao động, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp còn cao… Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tập trung nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động,  hoàn thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và hiện đại hóa thiết bị công nghệ để sản xuất có hiệu quả hơn để cải thiện tốc độ tăng năng suất lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục