Việc tăng thuế thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5-10% lên 6-12% theo tính toán của giới chuyên gia có thể khiến số người nghèo tăng thêm 240.000 người. Một phương án khác được đem ra so sánh là, bỏ mức thuế 5%, đồng loạt áp dụng mức thuế VAT chung là 10% cũng khiến số người nghèo tăng thêm 202.000 người.
Đây là kết quả vừa được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cùng Oxfam nêu lên tại Hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" sáng 28/5 tại Hà Nội.
Tăng gấp đôi VAT với nước, thực phẩm?
Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu lên 2 phương án tăng thuế VAT để so sánh.
Phương án 1 giống với đề xuất của Bộ Tài chính trước đó, tức là mặt hàng có thuế 5% tăng lên 6%, mặt hàng thuế 10% tăng lên 12% và mặt hàng thuế 0% giữ nguyên.
Phương án 2 được nhóm nghiên cứu đề xuất thêm là mặt hàng thuế 5% tăng lên 10% trong khi mặt hàng thuế 0% và 10% không điều chỉnh.
[Cử tri nhiều tỉnh kiến nghị chưa nên tăng thuế giá trị gia tăng]
Với 2 phương án trên, nhóm nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) của Tổng cục Thống kê năm 2016 để tính toán. Kết quả cho thấy, phương án 1 có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án 2.
Theo ông Cường, nếu tăng thuế như phương án 1, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.
Phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Tỷ lệ nghèo tăng lên 0,22 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 202.000 người nghèo tăng lên.
Tuy nhiên, phương án 2 gặp phải vấn đề là việc điều chỉnh theo hướng áp thuế tất cả 10% thay vì có mặt hàng 5% như hiện tại sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các nhóm nghèo.
Nguyên nhân bởi, thuế suất 5% hiện được áp dụng cho các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản xuất phân bón, dạy học, thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến,…
Trong khi ấy, người nghèo phải bỏ nhiều tiền trong tổng chi hơn cho lương thực, thực phẩm. Còn các hộ gia đình có mức chi tiêu cao thường có tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa phi lương thực lớn và tỷ trọng chi tiêu cho hàng lương thực thiết yếu nhỏ.
Vì thế, người giàu sẽ chịu tác động nhỏ hơn ở phương án 2 so với các hộ gia đình có mức chi tiêu thấp.
Tăng thuế nhưng phải sinh lời
Với hai phương án trên, tiến sỹ Lưu Bích Hồ cho rằng, đề xuất áp chung 1 mức thuế 10% như phương án 2 có điểm lợi là dễ thu và dễ tính thuế, tránh gian lận thuế.
Tuy nhiên, mặt ngược lại, ông Hồ cũng đồng tình với nhận xét của nhóm nghiên cứu là việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân vì nhiều mặt hàng thiết yết trước đó chỉ chịu mức thuế 5% có thể bị tính gấp đôi.
Ông Hồ cho rằng, việc chia bậc để tính thuế như hiện tại là hợp lý nhưng hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm để điều chỉnh thuế. Việc tăng thuế nếu có thể thì trước hết nên tăng từ 10% lên 11% và sau đó tùy tình hình có thể lên 12%.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thì thừa nhận, tăng thuế VAT theo phương án 2 có tác động nhỏ hơn phương án 1.
Tuy nhiên, ông Thành không bày tỏ việc nghiêng về phương án nào. Theo ông, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
Vấn đề lớn hơn được ông Thành đặt ra là chi ra sao với nguồn tăng thuế. “Nguồn thu từ tăng thuế phải sử dụng sinh lời cho nền kinh tế, cho đầu tư hạ tầng, làm người dân phát triển tốt hơn thì tăng thuế mới ý nghĩa,” ông Thành nói.
Ông nhắc lại ý kiến Chính phủ cần “thận trọng” khi cải cách các loại thuế. Theo ông, điều cần tính tới là chú trọng các khoản thuế chưa được đưa vào hệ thống như thuế tài sản. Đây là nguồn thu theo ông vẫn nhỏ và có không gian chính sách lớn./.