Tăng tốc phục hồi sản xuất: Xem xét sửa đổi quy định về làm thêm giờ

Khi điều kiện sản xuất kinh doanh hồi phục, doanh nghiệp buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp tiến độ các đơn hàng. Doanh nghiệp cần có cơ chế linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm vào những tháng cao điểm.
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Thiếu hụt lao động trầm trọng để phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm đang là nỗi lo của không ít doanh nghiệp sản xuất. Suốt một thời gian phải ngừng sản xuất, hoạt động cầm chừng, số lượng lao động của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã giảm từ 50-70%. Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, từ các tỉnh kinh tế trọng điểm về các địa phương gia tăng đang tạo thêm áp lực về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, Chính phủ đang xem xét sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm giờ để tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nên bỏ trần tối đa 40 giờ/tháng

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50%.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết suốt 2 tháng qua, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ,” “1 cung đường-2 điểm đến” do các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thiếu hụt lao động, thiếu hụt nguyên vật liệu, quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn… khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng.

Khi điều kiện sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại, doanh nghiệp buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp tiến độ cung cấp hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn có thể được linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm vào những tháng cao điểm.

“Để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh, nên bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong một tháng. Bên cạnh đó, cần tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm,” ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.

Lãnh đạo VASEP đề nghị nghiên cứu bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm theo điều 62, Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ, chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo khi doanh nghiệp mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn phải bố trí làm ngoài giờ. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động quy định thời giờ làm thêm không được phép quá 40 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm (đối với một số ngành, nghề), nên VITAS đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp sau thời gian phong tỏa được bố trí làm thêm “vượt khung” để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Doanh nghiệp vẫn sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.

[Phục hồi sản xuất hậu giãn cách: Doanh nghiệp rục rịch tăng tuyển dụng]

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết đơn vị này đã nhận được ý kiến đề xuất tăng giờ làm thêm của một số hiệp hội. Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép người sử dụng lao động không áp dụng giới hạn giờ làm thêm tối đa 40 giờ/tháng và áp dụng làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm cho các ngành nghề.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn giữ nguyên quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ chuyển ca... Như vậy với quy định này, người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành phục hồi sản xuất.

Chỉ áp dụng tạm thời

Sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, không chỉ doanh nghiệp cần lao động mà người lao động cũng cần có thêm thu nhập đề bù vào thời gian mất việc. Việc giữ trần tối đa 300 giờ/năm ở một số ngành nghề sẽ phần nào hạn chế những tác động tiêu cực đến an toàn, sức khỏe của người lao động.

Nhà ăn của công nhân có vách ngăn, đảm bảo giãn cách để phòng, chống COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với đề xuất không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng và điều chỉnh áp dụng làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết mặc dù đồng tình ủng hộ đề xuất của Chính phủ nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề an toàn lao động và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài gần hai năm vừa qua và có thể còn kéo dài, một bộ phận người lao động bị giảm sút sức khỏe cả về thể chất và tinh thần do mất việc làm, thu nhập giảm sút, hoang mang lo lắng về dịch bệnh, ăn uống thiếu dinh dưỡng, trong khi đó, điều kiện thể lực người lao động Việt Nam còn hạn chế.

Nếu quy định này được áp dụng, số giờ làm thêm của người lao động tối đa trong tháng có thể lên đến 104 giờ (vượt hơn 2,5 lần so với quy định hiện hành là 40 giờ/tháng). Một bộ phận người lao động do đời sống khó khăn gay gắt có thể chấp nhận làm thêm giờ ở mức tối đa để tăng thu nhập, song thực trạng này dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động, ảnh hưởng sức khỏe của người lao động…

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Chính sách này chỉ có thể áp dụng với tư cách là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trước mắt chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong 2 năm, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023," ông Hiểu nói.

Cũng đặt ra những băn khoăn về sức khỏe của người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ với đề xuất nâng thời gian làm thêm tối đa nhưng không quá mức quy định của pháp luật về lao động. Bởi tăng thời gian làm thêm đồng nghĩa giảm khả năng, suy giảm sức khoẻ của người lao động nhiều hơn. Nếu người lao động làm thêm quá mức dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ, có thể xảy ra tai nạn lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng làm thêm giờ cần phải đảm bảo chính sách về tiền lương. Cách tính làm thêm giờ dựa trên tinh thần doanh nghiệp có thể giải quyết nhân lực làm việc, bù đắp thời gian ảnh hưởng của dịch. Quan trọng hơn lao động cũng được tăng được thu nhập, song phải đảm bảo sức khoẻ và điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý về giải quyết mối quan hệ của doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, trong thời gian tổ chức thực hiện “3 tại chỗ,” “1 cung đường-2 điểm đến” để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn. Đặc biệt có không ít những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trong khu chế xuất, khu công nghiệp thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD. Nhiều doanh nghiệp khác bắt buộc phải dừng hoạt động do chi phí sản xuất quá lớn, càng sản xuất lại càng thua lỗ.

Gánh nặng về chi phí để vừa sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo phòng chống dịch sẽ còn tiếp tục đặt lên vai của doanh nghiệp trong thời gian tới, do đó việc điều chỉnh quy định về làm thêm giờ chính là giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn lao động, tạo đà tăng tốc phục hồi./.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng, đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa…

Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục