Chỉ còn hơn 4 tháng nữa, thị trường điện cạnh tranh sẽ chuyển sang một cấp độ mới đó là vận hành và chạy thử nghiệm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tuy nhiên, đến giờ phút này mới có hơn một nửa các nhà máy điện tham gia trực tiếp chào giá.
Nhằm hiểu rõ hơn về các bước chuẩn bị cũng như cách thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh việc phát triển thị trường điện ở Việt Nam.
- Thư ông, sau 3 năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường đã đạt được những kết quả gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua 3 năm, chúng ta thu được nhiều kết quả tích cực. Thứ nhất, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã theo đúng lộ trình của Nhà nước ban hành và đảm bảo cung ứng điện đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Đây là thành công hết sức cơ bản cho công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.
Điểm thứ 2, chúng tôi đánh giá việc vận hành thị trường này đã tạo ra sự công khai minh bạch trong huy động các nguồn phát điện, các nhà máy điện trong vận hành hệ thống điện.
Trước đây chúng ta vận hành hệ thống điện theo điều động kinh tế, còn khi có thị trường phát điện cạnh tranh các đơn vị phát điện có thể chủ động trong vấn đề chào giá, trên cơ sở đó tạo sự công khai minh bạch hơn trong vận hành hệ thống điện.
Điểm thứ 3, thông qua vận hành thị trường phát điện, các nhà máy điện đã chủ động hơn trong công tác vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đặc biệt họ có nhiều biện pháp để tham gia thị trường điện thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những hiệu quả đáng kể trong công tác vận hành thị trường điện.
Một điểm nữa có thể thấy rõ là, ngành điện thông qua thị trường này đã cung cấp được thông tin liên quan đến thị trường điện tới khách hàng sử dụng điện. Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận, việc cung cấp thông tin vẫn còn những điểm hạn chế.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương, trực tiếp là Cục Điều tiết Điện lực sẽ có những chỉ đạo nhằm tăng cường truyền tải thông tin rõ ràng hơn nữa tới các đối tượng tham gia thị trường điện và các khách hàng tham gia sử dụng điện.
- Cho đến thời điểm hiện tại, có gần 60% nhà máy tham gia, tương đương với 42% công suất, con số này là khá khiêm tốn so với tổng công suất nguồn điện cũng như số nhà máy chúng ta hiện có. Vậy theo ông, đâu là bất cập trong quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong 3 năm qua?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua, chúng ta vận hành thị trường phát điện trong tình hình khó khăn. Hệ thống điện còn nhiều bất cập, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu vận hành, lúc đó, nguồn điện của chúng ta còn chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu sử dụng điện trong các thời điểm.
Thứ hai nữa, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, trong 3 năm qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa các nhà máy điện tham gia thị trường điện, song còn nhiều yếu tố ràng buộc nên chưa thực hiện được điều đó, đây cũng là một điểm tồn tại.
Trên cơ sở đánh giá, góp ý của các đơn vị, xem xét thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực cũng đã và đang nỗ lực tìm ra các giải pháp nhằm đưa được số lượng các nhà máy tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh nhiều hơn nữa, tăng tối đa các nhà máy điện.
Về giải pháp, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đôn đốc các đơn vị phát điện đặc biệt là các đơn vị trực thuộc các tập đoàn kinh tế lớn của TKV, EVN và PVN… sẽ tham gia thị trường điện.
Cục Điều tiết điện lực cũng sẽ phối hợp với EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và Công ty cung ứng điện, để tổ chức các buổi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ để các đơn vị sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành thêm các văn bản quy định hướng dẫn, xem xét các khó khăn vướng mắc của các nhà máy điện đa mục tiêu, để tháo gỡ khó khăn đó, làm sao nâng cao tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh.
- Bộ Công thương mới đây đã ban hành quyết định sẽ triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng trong năm 2016 mới vận hành thử trên giấy. Vậy ông có thể nói rõ hơn về lộ trình thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện Việt Nam vẫn đang vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và sẽ tiếp tục vận hành thị trường này đến hết năm 2018. Trước khi chuyển sang năm 2019, chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong giai đoạn từ nay đến hết 2018, chúng ta vẫn cần phải có những bước chuẩn bị cần thiết.
Theo Quyết định 8266/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, sẽ có hai bước chính để chuẩn bị. Cụ thể năm 2016, sẽ vận hành thị trường thí điểm trên giấy. Trong giai đoạn này các nhà máy điện, các Tổng Công ty điện lực, các khách hàng lớn có thể thực tập tham gia thị trường bán buôn này. Về mặt vận hành, vẫn tiếp tục triển khai thị trường phát triện cạnh tranh.
Trước khi bước vào năm 2019, giai đoạn vận hành chính thức, Bộ Công Thương sẽ từng bước đưa các Tổng Công ty điện lực tham gia thị trường điện một cách thực tế hơn, tức là họ sẽ có thể mua từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn. Phần còn lại mua qua thị trường phát điện cạnh tranh.
Tại sao chúng ta phải có các bước này, là bởi, bước chuyển phát điện cạnh tranh sang bán buôn là bước chuyển căn bản thay đổi công tác tổ chức sản xuất điện trong một thời gian dài vừa qua.
Và ảnh hưởng của thị trường bán buôn cũng sẽ có tác động rất lớn đến các mặt hoạt động chung của ngành điện nên chúng ta cần phải có những bước đi thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương và qua những bước thận trọng đó để có thể rút kinh nghiệm, bước những bước tiếp theo một cách hiệu quả.
- Vừa rồi Bộ Công Thương cũng đã khẳng định phải tái cơ cấu lại ngành điện, tách các Tổng công ty phát điện (GENCO) ra khỏi EVN. Vậy thưa ông, việc tái cấu trúc này được triển khai như thế nào và có tác động gì đến thị trường điện?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tái cấu trúc ngành điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thị trường điện cạnh tranh. Đối với đề án này, Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương triển khai xây dựng đề án trình Chính phủ tháng 12-2015 này.
Các bước triển khai cổ phần hóa sẽ được thực hiện và Cục Điều tiết điện lực sẽ xem xét và báo cáo với Chính phủ từng lộ trình…
Xin cảm ơn ông./.
Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) Việt Nam được chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ triển khai thí điểm và sau 2018 sẽ đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Dự kiến, từ năm 2022, sẽ thực hiện cấp độ ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.Tính đến 30/6/2015 mới có 59/109 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh với tổng cống suất là 14.796/35.543 MW (đạt 41,63% công suất)./.