Thị trường điện cạnh tranh: Cần minh bạch giá thành

Việt Nam đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nên cần phải có sự công khai minh bạch trong các yếu tố hình thành giá điện.

Việt Nam đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh và tiến tới xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh. Để đạt được những cấp độ trên thì yếu tố quan trọng nhất là sự công khai minh bạch trong các yếu tố hình thành giá điện, cũng như có cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khi tham gia thị trường.

Tại Hội thảo: "Thủy điện và Cải cách thị trường điện tại Việt Nam" do Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức sáng 19/3, ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng phát triển điện, Cục điều tiết điện lực cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh sau 2,5 năm vận hành đã giúp việc huy động điện tốt hơn, giá phát điện cũng đã phản ánh được chi phí phát điện và nhu cầu theo giờ.

"Quan trọng hơn là các nhà máy phát điện cũng tích cực giảm chi phí của mình để đảm bảo có lợi cho người tiêu dùng," ông Huy nói.

Tuy nhiên, để đạt những cấp độ phát triển tiếp theo là thị trường bán buôn cạnh tranh và tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Việt Nam cần sự chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giá thành phát điện.

Theo Phó chủ tịch Đông Nam Á của SN Power, ông  E.Kirkeby Garber, mức tăng trưởng điện năng hàng năm của Việt Nam đều trên 12%, do vậy cần phải công bố các chi phí thực và khách hàng phải trả tiền cho việc mua điện như thế nào.

Về chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo chia sẻ của đại diện tư vấn điện Singapore, Việt Nam có thể là một đầu mối bán buôn cho các nước trong khu vực tham gia và có lưới điện liên kết toàn Đông Nam Á. Hiệu quả của mô hình này là lượng điện sản xuất rẻ sẽ được điều tiết đến các khu vực có giá cao tránh được lãng phí trong sản xuất điện.

Lộ trình cải cách thị trường điện Việt Nam do Bộ Công thương đề xuất gồm 4 giai đoạn: Năm 2010 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân tham gia sản xuất điện để bán điện cho EVN; xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh (2011-2014); phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau 2022).

Đến cuối năm 2013, toàn hệ thống có 102 nhà máy điện đang vận hành và tham gia thị trường với tổng công suất 26.901 MW; trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất lắp đặt 11.947 MW, chiếm 44,4% toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp gồm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, nhiệt điện chạy dầu/than nhập đắt tiền và các nhà máy hưởng cơ chế đặc thù.

Tổng sản lượng các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường đạt mức 52,8 tỷ kWh, chiếm hơn 40% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2014 có trên 11.947MW tổng công suất đặt của các nhà máy điện sẽ chính thức tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM). Ngoài ra sẽ có 25 nhà máy tham gia gián tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt là 11.983 MW, đây sẽ là nguồn quan trọng để Việt Nam thực hiện thị trường điện cạnh tranh trong tương lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.