Tăng trưởng kinh tế Nga chậm lại do nhiều nhà đầu tư rút vốn

Đồng ruble mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu đắt đỏ hơn, còn các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga.
Đồng ruble. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Kinh tế Nga, Alexei Ulyukayev ngày 16/4 cho biết nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1 của nước này đã chậm lại đáng kể, trong bối cảnh sự bất ổn do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi Xứ sở Bạch Dương.

Trong quý đầu năm nay, kinh tế Nga chỉ tăng 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến tăng 2,5% do bộ này đưa ra trước đó.

Các thị trường tài chính Nga đã chịu ảnh hưởng tiêu cực, do tình hình căng thẳng giữa Nga và quốc gia láng giềng Ukraine, sau khi Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga. Chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Moskva đã giảm 10% trong tháng 3/2014, do dòng vốn chảy khỏi thị trường.

Trong ba tháng đầu năm nay, đồng ruble mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng thời gian này, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, cao hơn cả con số trong cả năm 2013.

Mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư là các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga, qua đó tác động đến hoạt động thương mại, đặc biệt là thị trường năng lượng. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, khi mua hơn 3/4 lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, xuất khẩu năng lượng đóng góp tới một nửa ngân sách Chính phủ Nga. Bộ trưởng Ulyukayev cho biết lĩnh vực đầu tư đã giảm 4,8% trong quý 1/2014.

Tin tức cho hay Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận kinh tế nước này có thể tăng trưởng 0% trong năm 2014. Theo ông Siluanov, sự thoái vốn trên thị trường là kết quả của việc một khối lượng lớn đồng tiền ruble được đổi ra ngoại tệ. Tăng trưởng trì trệ cũng liên quan đến việc đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng và nền kinh tế Nga chưa được hiện đại hóa. Ông Siluanov nói: “Việc vốn bị rút ra khỏi thị trường làm giảm đi cơ hội đầu tư và tạo ra rủi ro cho ngân sách thiếu cân bằng.”

Thêm vào đó, việc sáp nhập Crimea cũng sẽ khiến chi tiêu chính phủ tăng lên. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gần đây nói với cư dân Crimea rằng Điện Kremlin sẽ tăng lương và tiền hưu trí, cùng với đó là tiền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sau vụ sáp nhập gây tranh cãi vùng đất này vào Liên bang Nga hồi tháng trước.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra vào thời điểm kinh tế Nga đang đình đốn và đối mặt với các vấn đề mang tính cấu trúc.

Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2013 là mức thấp nhất trong 13 năm, sau đợt suy thoái năm 2009. WB dự kiến kinh tế Nga sẽ suy giảm 1,8% trong năm nay, nếu tình hình bất ổn tại Ukraine vẫn tiếp diễn và Nga phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt của phương Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục