"Tăng tỷ giá thêm 1% là hành động kịp thời và hợp lý"

Các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời vì nếu không hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ rất lớn.
"Tăng tỷ giá thêm 1% là hành động kịp thời và hợp lý" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng từ ngày 7/5 từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD (mức điều chỉnh 1%), nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao quyết định “táo bạo” này của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh tỷ giá trên thị trường đang “căng như dây đàn” hiện nay.

Điều chỉnh là cần thiết

Mặc dù vẫn dự báo là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá trong một vài ngày tới nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng tỏ ra khá bất ngờ với quyết định này của Ngân hàng Nhà nước vì ý kiến của ông Hiếu chỉ điều chỉnh trong biên độ 0,5%.

Dù bất ngờ song ông Hiếu cũng hoan nghênh quyết định kịp thời mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì nếu không hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ rất lớn.

Ông Hiếu phân tích, nếu không điều chỉnh tỷ giá lúc này Ngân hàng Nhà nước sẽ phải “gánh” chi phí cơ hội rất lớn khi các ngân hàng thương mại, nhà đầu cơ mua gom USD giá rẻ tại Ngân hàng Nhà nước rồi đem ra thị trường tự do bán với giá cao để hưởng chênh lệch. Như vậy, giới đầu cơ sẽ trục lợi, “ăn trên lưng” của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, nếu không điều chỉnh, giá đồng bạc xanh sẽ ngày càng tăng trên thị trường tự do và như thế cơ quan quản lý sẽ càng thiệt hại. Trong khi ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cũng cần bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối. Nếu vẫn giữ giá đồng USD thấp thì chẳng có đơn vị nào bán cho Ngân hàng Nhà nước, mà sẽ chạy ra ngoài thị trường tự do bán với giá cao hơn để được lời lớn hơn.

“Do đó, đây là tình huống bắt buộc mà Ngân hàng Nhà nước phải làm trong lúc này, vừa để bình ổn thị trường, trấn an tâm lý, vừa giúp Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối,” ông Hiếu bình luận.

Còn ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) thì cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá 1% của Ngân hàng Nhà nước thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo ông Phương thì việc này chưa tác động nhiều vì thời gian qua VND được định giá cao nên khi hàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, EU đã gặp khó vì giá hàng Việt Nam khó cạnh tranh.

Là một trong những tổ chức tín dụng lớn của nước ngoài, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, với tình hình tỷ giá USD/VND đóng cửa ở ngưỡng kịch trần trong những ngày qua, quyết định này của Ngân hàng Nhà nước không phải là điều quá ngạc nhiên. “Chúng tôi cho rằng sẽ không có thêm thay đổi chính sách nào nữa từ Ngân hàng Nhà nước trong năm nay. Tỷ giá USD/VND sẽ tăng theo chiều hướng nửa trên của biên độ và dự báo tỷ giá cuối năm sẽ ở mức 21.750 đồng/USD,” các chuyên gia HSBC dự báo.

Các chuyên gia HSBC cũng cho rằng, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu lần này là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, trong báo cáo đánh giá nhanh về quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia Ngân hàng ANZ cũng cho rằng, quyết định này sẽ giúp cán cân thương mại cân bằng hơn. Với quyết định điều chỉnh này, VND sẽ giao dịch ở mức phù hợp hơn với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á.

Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, ông Phạm Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá thì thị trường có những phản ứng tích cực. Cụ thể thanh khoản thị trường tăng lên rõ rệt. Hiện tại, Vietcombank mua bán ngoại tệ rất thuận lợi. Mua ròng trên cả 2 thị trường liên ngân hàng và thị trường với khách hàng. Tỷ giá hiện tại đang dừng ở mức 21.640 - 21.700 đồng/USD, ngang với mức bình quân mà Ngân hàng Nhà nước công bố.

“Quan trọng là thị trường đã được giải tỏa và tốt hơn rõ rệt,” ông Hà nhấn mạnh.

"Tăng tỷ giá thêm 1% là hành động kịp thời và hợp lý" ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Vẫn có những bất lợi nhỏ

Mặc dù đánh giá cao về sự điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước nhưng các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại việc điều chỉnh lần này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và nợ công tăng.

Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải trả thêm giá trị hàng nếu quy ra VND. Bên cạnh đó, sự bất lợi sau khi điều chỉnh tỷ giá là nợ công của Việt Nam tính bằng VND sẽ tăng theo; niềm tin của người dân vào giá trị VND phần nào bị ảnh hưởng.

Ông Hiếu cho biết thêm, tăng tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất hiện nay. Hiện, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và USD khoảng 5%, song tỷ giá tăng mạnh thì người gửi tiền sẽ có khuynh hướng rút tiền đồng, đổi sang USD để gửi ngân hàng.

Do đó, để tránh “mất máu” trên kỳ hạn tiền gửi bằng VND, ông Hiếu cho rằng các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng. Như vậy, khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ tăng theo, song đây cũng chỉ là giả định sẽ xảy ra trong dài hạn. Chưa kể, việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ tác động tới lạm phát, vì theo tính toán tỷ giá điều chỉnh thêm 1% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,2%.

Phía Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định sẽ kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá cả năm tăng không quá 2%. Như vậy, dư địa tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm không còn nếu Ngân hàng Nhà nước giữ đúng cam kết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên cam kết “cứng”, vì tình hình tiền tệ thế giới biến động rất lớn, mà chỉ nên đưa ra định hướng trong điều hành.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ, cũng như các giải pháp để ổn định thị trường và tỷ giá trên mặt bằng giá mới. Và tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, các dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ để có thể điều hành phù hợp./.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, ngay trong ngày hôm nay các ngân hàng thương mại lần lượt điều chỉnh lại tỷ giá theo hướng tăng thêm.

Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở 21.640 - 21.700 VND/USD (mua vào-bán ra), tăng 30 đồng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng trước khi điều chỉnh. Tương tự, tỷ giá USD được BIDV, VietinBank niêm yết cũng tăng 45 đồng/USD, hiện mua vào-bán ra ở mức 21.645 - 21.715 đồng/USD.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng lần lượt đẩy tỷ giá giao dịch lên như Techcombank hiện mua vào-bán ra USD ở mức 21.620-21.730 đồng/USD, Eximbank là 21.640-21.720 đồng/USD, TPBank niêm yết tỷ giá ở mức 21.620-21.700 đồng/USD.

Tuy nhiên, so với đầu giờ sáng nay ngay sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh thì giá USD tại các ngân hàng thương mại này đã giảm từ 30-50 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.