Tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ giáo dục yên tâm cống hiến

Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý yên tâm cống hiến, đẩy mạnh xã hội hóa trong mọi khâu để có thêm nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội.
Tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ giáo dục yên tâm cống hiến ảnh 1Học sinh lớp 6 tại huyện vùng cao Hà Giang trong tiết học tiếng Anh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018 đã căn cứ vào Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội với tiêu chí cụ thể, hiện đại, tiệm cận với xu thế chung của thế giới là “lấy người học làm trung tâm.”

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ liên quan, đặc biệt là các thầy cô, các nhà quản lý đã nỗ lực thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chương trình và đạt được kết quả tích cực: giảm tính hình thức trong dạy và học, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực; đa dạng sách giáo khoa, có nhiều tài liệu tốt để tham khảo, học tập...

[Rà soát, đánh giá toàn diện nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên]

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, do Chương trình áp dụng chung cho mọi vùng miền, nông thôn, thành thị và với mọi đối tượng học sinh, do vậy tạo ra sự chênh lệch trong quá trình thực hiện. Nhiều văn bản ban hành chưa kịp thời.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, đối tượng học sinh và đặc biệt là đối tượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí, xây dựng Luật Nhà giáo để tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý yên tâm cống hiến, đẩy mạnh xã hội hóa trong mọi khâu để có thêm nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội.

Tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ giáo dục yên tâm cống hiến ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận định việc ban hành Chương trình Sách giáo khoa Dân tộc Thiểu số còn chậm trễ trong cả hai khâu: ban hành chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cần đánh giá bổ sung thêm hạn chế trong việc biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng Việt và tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học; việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới đáp ứng cho vùng miền núi, hải đảo, điều kiện khó khăn.

Mặt khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc.

Bởi, hiện nay vấn đề này còn nhiều bất cập như: thiếu hụt nguồn nhân lực, chậm sửa đổi, ban hành chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, làm ảnh hưởng đến học sinh dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng chính sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo sát sao việc sửa đổi quy định còn bất cập, tiếp tục kéo dài chính sách đối với địa phương không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Đối với chất lượng, hiệu quả việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết chương trình mới thực hiện 3 năm, nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng, hiệu quả tổng thể của chương trình, tuy nhiên, đã có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả ban đầu của chương trình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung thêm một mục trong báo cáo để đánh giá về chất lượng, hiệu quả chương trình sách giáo khoa đã được thực hiện ở cấp Tiểu học, từ lớp 1-3; cấp Trung học Cơ sở lớp 6-7; cấp Trung học Phổ thông lớp 10.

Tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ giáo dục yên tâm cống hiến ảnh 3Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục; việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện sách giáo khoa... để ghi nhận đậm nét thêm về kết quả đã đạt được.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, giải quyết tình trạng này trong thời gian tới.

Bày tỏ đồng tình, nhất trí với 3 nhóm giải pháp mà Đoàn giám sát đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát thêm, bổ sung thời hạn đối với một số nhiệm vụ cụ thể để làm cơ sở cho việc giám sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục