Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện và đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 1Sản phẩm đường tinh luyện (RE) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam đang được đóng bao bì. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải rà soát, đánh giá việc thực hiện và đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn xung quanh vấn đề này.


- Xin Thứ trưởng cho biết Bộ sẽ tập trung vào sửa đổi, bổ sung những chính sách gì nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp. Hai chính sách rất quan trọng là Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, còn có rất nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp như các chính sách xóa đói giảm nghèo, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Chúng tôi thấy rằng các chính sách đã tạo chuyển biến bước đầu, có một số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây gắn với thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư vào nông nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp và số vốn đầu tư vào lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác trong toàn xã hội rất thấp.

Thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát lại các chính sách ưu đãi hiện nay, đánh giá tại sao các chính sách không được chuyển thành hoạt động thực tiễn. Chẳng hạn, doanh nghiệp vẫn kêu là không tiếp cận được vốn tín dụng; nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách ưu đãi theo Nghị định 210.

Không chỉ quan tâm các doanh nghiệp trong nước, đối với doanh nghiệp nước ngoài, Bộ cũng đang soạn thảo Nghị định ưu đãi về đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào nông nghiệp, chủ yếu cho lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, phân bón, các loại thuốc, thức ăn chăn nuôi.

Thứ hai là chính sách về đất đai. Hiện các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp cần có đất. Nhà nước và ngành nông nghiệp vừa phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất để sản xuất nhưng cũng phải đảm bảo chủ trương “dân cày có ruộng,” trong khi đó đất manh mún, gần như không có đất sạch quy mô lớn cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng không thể bằng biện pháp thu hồi đất của hộ dân để giao cho doanh nghiệp mà chính là thông qua thực hiện sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp, dành ra một quỹ đất nhất định để cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có cơ sở chế biến và sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp liên kết người dân tạo mô hình cánh đồng lớn, không chỉ trong sản xuất lương thực mà trong các ngành nghề khác như cây công nghiệp, cây lâm nghiệp... Việc liên kết là rất quan trọng, chúng ta không thể có diện tích hàng chục héc ta, thậm chí hàng trăm héc ta để giao cho doanh nghiệp. Cơ chế chính là chỗ này, gắn với cơ chế tạo liên kết ấy là cơ chế về thuế, thời gian ưu đãi.

Thứ ba là cổ phần hóa mạnh mẽ cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa là thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bộ đang có phương án riêng về các công ty nông lâm nghiệp, theo đó, sẽ dành quỹ đất khoảng 1 triệu ha ở các công ty nông lâm nghiệp để thực hiện cổ phần hóa.

Cùng với đó là tiếp tục thoái vốn, bán vốn ở các doanh nghiệp khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm đến năm 2017, tất cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Chính phủ giao cho Bộ đều sẽ tiến hành cổ phần hóa. Trong năm nay, những doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ tiếp tục thoái vốn. Nhiều đơn vị đã thoái hết vốn như Tổng Công ty Rau quả, nông sản, Tổng Công ty Chè, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp...


- Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ ngành phải xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016. Vậy xin Thứ trưởng cho biết đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện được đến đâu?


Thứ trưởng Hà Công Tuấn:
Nếu không có gì thay đổi thì trước ngày 15/6 tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch cụ thể về thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19. Hai nghị quyết này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Như tôi đã nêu trên, có hai lĩnh vực rất quan trọng Bộ đang quyết liệt thực hiện là rà soát cơ chế, chính sách hiện nay và vấn đề về đất đai, đương nhiên gắn với đó là quá trình cải cách hành chính. Chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc các quy định về điều kiện kinh doanh liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, từ 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chỉ còn 32 ngành nghề, giảm đi rất nhiều. Mỗi một ngành nghề đi sâu giảm tất cả những điều kiện về hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để biến Nghị quyết trở thành hành động thực sự phải thực hiện cương quyết, Bộ đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện hai nghị quyết này.

- Trong quá trình rà soát, chỉnh sửa các điều kiện kinh doanh, Bộ đã thực hiện như thế nào để từ 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chỉ còn 32 ngành nghề, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát hệ thống văn bản liên quan tới quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể, Bộ đã rà soát 7 Luật, 5 Pháp lệnh, 17 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tổng hợp tất cả những các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực nông nghiệp có tới 99 ngành nghề có điều kiện kinh doanh.

Theo Luật Đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp có 35 ngành có điều kiện kinh doanh, như vậy có rất nhiều điều kiện hiện nay sẽ được xóa bỏ. Trong 35 ngành nghề có điều kiện kinh doanh, Bộ đã đề nghị Chính phủ cho phép không quy định ba ngành nghề đó là kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản. Các điều kiện kinh doanh khác sẽ được quy định theo hướng giảm tối thiểu những thủ tục, điều kiện về thủ tục hành chính, chỉ tập trung giữ các điều kiện rất căn bản để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, khối lượng công việc rất đồ sộ, song Bộ đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Chính phủ giao.

- Trong các lĩnh vực, Thứ trưởng thấy lĩnh vực nào chuyển nhiều điều kiện nhất, khó khăn nhất?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bộ đã xác định từ đầu và báo cáo với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không chuyển một cách cơ học các điều kiện kinh doanh ở 39 thông tư hiện nay lên thành 1 nghị định. Bộ chỉ quy định các điều kiện theo hướng là giảm thiểu các thủ tục hành chính. Nghị định này quy định điều kiện kinh doanh rất nhiều ngành nghề, nếu chuyển cơ học thì Nghị định sẽ phải lên tới hàng trăm trang.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mất nhiều thời gian khi xem xét quy định các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản. Đây có thể nói là những lĩnh vực phải cân nhắc rất kỹ, vì ngoài việc chúng ta dứt khoát phải giảm điều kiện kinh doanh về thủ tục hành chính, tạo thông thoáng với doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo quy trình sản xuất tốt.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục