Tạo nền móng pháp luật, thúc đẩy đổi mới thể chế, đưa đất nước bứt phá

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tư pháp Việt Nam góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, hoàn thiện nền tảng chính trị pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith tiếp Bộ trưởng tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tư pháp đã không ngừng lớn mạnh, phát triển về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, hoàn thiện nền tảng chính trị pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tạo nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp.

Với chức năng quản lý công tác tư pháp, ngay sau khi ra đời, Bộ Tư pháp đã tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương giúp Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật, nền tư pháp dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Ngày 20/9/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban Dự thảo Hiến pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là trực tiếp khởi thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân.

Bản dự thảo Hiến pháp của Chính phủ Lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946 mang tên Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946.

[Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp]

Trong suốt những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp được giao trọng trách xây dựng một nền tư pháp nhân dân, quản lý toàn diện các mặt hoạt động tư pháp, chịu trách nhiệm soạn thảo, tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự, thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao, giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài.

Hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp đã đóng góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đưa công tác tư pháp đến gần với người dân

Bước vào thời kỳ đổi mới, vai trò của ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định. Ngành đã kịp thời tham mưu với Chính phủ xây dựng các đạo luật mang tư duy pháp lý tiến bộ và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo tiền đề cho việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngành Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành những đạo luật mang tính trụ cột của nước nhà về dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính cùng các luật về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị của Bộ Tư pháp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đặc biệt, Bộ Tư pháp làm tốt vai trò đầu mối tham mưu cho Chính phủ tích cực tham gia xây dựng bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh và nghị định. Trong đó Bộ, ngành Tư pháp đã tham gia một cách trách nhiệm từ giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, góp ý, thẩm định đến chỉnh lý, thông qua.

Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua các Luật về tiếp cận thông tin, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự...

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ luật, kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.

Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022. Bộ, ngành Tư pháp cũng chủ động hưởng ứng thông điệp của Chính phủ về “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp,” kịp thời tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ, ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; tiếp tục xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chú trọng công tác cán bộ

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Dương Thanh Mai khẳng định, nhìn lại quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tư pháp đã có những đóng góp âm thầm nhưng góp phần lớn vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Vai trò này ngày càng được nhận thức rõ hơn khi Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhắc tới yêu cầu đột phá thể chế để nước nhà có thể bứt phá trong giai đoạn mới.

Theo bà Dương Thanh Mai, để cùng các thành viên Chính phủ kiến tạo đột phá, Bộ Tư pháp cần chú trọng công tác cán bộ ở cả ba lớp. Đầu tiên là cán bộ chiến lược, có tư duy chiến lược của ngành ở tầm quốc gia, đưa về địa phương tiếp thu, trải nghiệm thực tế để làm phong phú công tác quản lý khi trở lại trung ương.

Ngoài ra, cán bộ tham mưu nằm trong các lãnh đạo cấp vụ phải thực sự trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực, để các bộ, ngành khác khi cần là tìm đến như một chỗ dựa pháp lý. Đặc biệt, cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cụ thể cần được rèn giũa, nâng cao trách nhiệm công vụ trước yêu cầu của người dân.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, ngành luôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Toàn ngành đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thị công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp, rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 75 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề pháp lý mới của đất nước; góp phần xây dựng hệ thống pháp luật có sức cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục