Tạo sức hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da giày

Theo Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, ngành da giày cần cải thiện nguồn cung nguyên liệu tại chỗ, nâng năng suất nhằm tạo sức hút đầu tư nước ngoài.
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương Phan Chí Dũng cho rằng, vấn đề quan ngại hàng đầu của ngành da giày là cần những giải pháp hiệu quả để cải thiện nguồn cung nguyên liệu tại chỗ, nâng cao năng suất lao động hơn nữa, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp… nhằm tạo sức hút đầu tư nước ngoài cho ngành da giày.

Ông Phan Chí Dũng đã phân tích về những tồn tại của ngành da giày Việt Nam như vậy tại Hội nghị “Nâng cao năng lực doanh nghiệp da giày Việt Nam,” tổ chức ngày 10/11, ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Năng suất lao động cạnh tranh khu vực

Từ tháng 9/2013, Tập đoàn Ever Rite International đã chuyển 100% sản xuất đến Việt Nam, hiện tại có 52 dây chuyền đang hoạt động và dự kiến trong thời gian tới sẽ phát triển hơn nữa.

Lý giải nguyên nhân Việt Nam đang có sức hút đối với các nhà đầu tư trong ngành da giày, ông Oliver Ng, đại diện Tập đoàn Ever Rite International cho biết, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người, lao động ở độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ lệ 42,1%, nên không chỉ đảm bảo được nguồn nhân lực trong điều kiện hiện tại mà còn có khả năng đáp ứng cho cả tương lai.

Đặc biệt năng suất lao động cũng như mức chi phí thuê nhân công, mức lương tối thiểu, mức thu nhập có thể chấp nhận và thời gian làm việc theo quy định của Luật lao động của Việt Nam rất cạnh tranh so với một số nước khác trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề dịch chuyển đầu tư, các chuyên gia khác cho rằng, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tìm kiếm những điểm đến mới hấp dẫn hơn và tránh phụ thuộc đầu tư vào một quốc gia truyền thống đã diễn ra trong những thập kỷ gần đây và sắp tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh

Da giày là ngành thâm hụt lao động nên một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư đến với một số quốc gia sẽ là nguồn nhân lực trẻ và giá nhân công rẻ. Bên cạnh đó những quốc gia nào có thế mạnh về các yếu tố như tỷ giá hối đối ổn định, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài… sẽ tạo được sức hấp dẫn trong kêu gọi đầu tư vào ngành da giày một cách hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, ông Matt Priest, đại diện Hiệp hội phân phối và bán lẻ giày dép tại Mỹ (FDRA) cho biết, kết quả khảo sát và dự báo của FDRA cho thấy trong vòng 5 năm tới nhập khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 12% về số lượng và 14% về giá trị tăng trưởng và những con số này chưa tính đến những tác động nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Theo ông Matt Priest, với dân số hơn 317 triệu người, Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng cho ngành da giày các nước trong tương lai. Điển hình năm 2013, số lượng xuất khẩu sản phẩm da giày vào Mỹ đạt khoảng 2,3 tỷ đôi giày; trong đó nguồn cung từ Trung Quốc chiếm 81%, Việt Nam (10%), Indonesia (4%), Mexico (2%), Ấn Độ (1%) và còn lại là các nước khác.

Đáng chú ý là trong 9 tháng qua, nhập khẩu giày dép vào Mỹ có mức tăng trưởng ổn định, chỉ tăng nhẹ với 1,6%, nhưng thị phần của Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút và các quốc gia khác tăng lên tại thị trường này.

Hướng đến nội địa hóa 80%

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với ngành da giày là khá tốt và nhiều tiềm năng, trong đó gần như đáp ứng được các nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng quản lý, mà một số quốc gia khác trong khu vực chưa đạt được các yêu cầu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Oliver Ng cho rằng, ngành da giày Việt Nam cần chủ động từng bước hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu về nguyên-vật liệu, xây dựng hệ thống logistics… để tạo sức hút hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngành da giày Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 624.000 lao động trên cả nước, trong đó ngành sản xuất giày dép các loại chiếm tỷ trọng 63,5%; da thuộc chiếm 4,1%; cặp, túi, ví các loại chiếm 32,4%.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong cơ cấu nguyên vật liệu của ngành da giày Việt Nam, nguồn nguyên liệu từ bên ngoài chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hay nói cách khác giá trị tạo ra trong nước đạt 60%. Tỷ lệ này so với các ngành khác cao hơn, điển hình ngành dệt may có tỷ lệ nội địa hóa và chủ động trong nước khoảng 40%.

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch đến năm 2020, mục tiêu của ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế, với giai đoạn 2016-2020 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp là 8,8%, tỷ lệ nội địa hóa đạt 75-80%.

Trong số đó sản phẩm chiến lược của ngành da giày gồm: giày dép, trong đó giày thể thao và giày vải được ưu tiên sản xuất và xuất khẩu; giày dép da thời trang, cặp, túi, ví chất lượng cao hướng đến thị trường mới, cao cấp và nội địa.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh sản xuất nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ nhằm giảm nhập siêu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm da giày, cụ thể là tập trung sản xuất da thuộc, vải giả da chất lượng…

Ông Phan Chí Dũng nhấn mạnh: Ngành da giày và dệt may là hai ngành được nhà nước rất quan tâm, tạo diều kiện phát triển thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng không thể đưa ra những chương tình hỗ trợ trực tiếp đối với hoạt đông xuất khẩu do phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết của những Hiệp định thương mại tự do.

Vì vậy, Nhà nước đang tập trung triển khai nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia với nhiều ưu đãi về hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, dự báo thị trường…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục