Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn sẽ có nhiều nhà đầu tư mới mở rộng đầu tư kinh doanh logistics tại đây.
Phát biểu tại Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 9/1, để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp; xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
“Phải xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan hiện hành để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất.
Đồng thời, các bộ-ngành tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh logistics.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics; trong đó nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Quy hoạch phát triển logistics chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch; lập hồ sơ thông tin về các địa điểm, lĩnh vực logistics cần thu hút đầu tư để sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư.
Về phía Bộ Công Thương sẽ trao đổi với các địa phương liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Các tỉnh, thành phố trong vùng rà soát lại các quy hoạch liên quan phục vụ hoạt động logistics, kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển logistics trên địa bàn; lựa chọn, công bố những dự án cơ sở hạ tầng logistics trọng điểm cần kêu gọi đầu tư, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung trình bày, phân tích, đánh giá về hiện trạng kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng về logistics, các tiềm năng, lợi thế, triển vọng và những khó khăn khi đầu tư logistics vào khu vực.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hạ tầng và dịch vụ logistics của vùng còn nhiều hạn chế. Đó là sự phân tán và quy mô nhỏ lẻ của hệ thống cảng và sự vận hành thiếu đồng bộ giữa các phương thức vận tải đa phương tiện mà chủ yếu là giữa phương thức vận tải thủy và bộ…
Cũng theo ông Hiệp, các nhà đầu tư cần tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư vào một số dự án logistics trọng điểm cho vùng, nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 vì theo dự báo lượng hàng qua cảng của Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030 là rất lớn.
Cụ thể, đến năm 2020 là từ 25-28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 khoảng từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm; trong đó, hàng tổng hợp, container chiếm từ 21-26 triệu tấn/năm. Đây cũng là vùng có hệ thống sông ngòi dày đặc kết nối với nhiều vùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra khắp thế giới…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, vùng Tây Nam Bộ bao gồm 13 tỉnh, thành phố; trong đó, các tỉnh nằm giáp phía biển Đông có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, giao thông vận tải và hệ thống logistics… Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics trong vùng vẫn còn kém phát triển.
Quy mô của các trung tâm logistics còn nhỏ (dưới 10ha) và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển...
Mặt khác, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng từ 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng từ 15-20% ở các nước đang phát triển.
Việc phát triển dịch vụ logistics cũng như giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20-25% GDP cả nước, đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước; chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam…
Cũng tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, ghi nhớ đầu tư với các cơ quan chức năng của Việt Nam./.