Tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân da cam

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình hỗ trợ vốn kinh doanh, sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật và nạn nhân da cam; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng...
Ông Đinh Xuân Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Từ ngày 14-16/8, tại Bạc Liêu, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường (NACCET) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" (gọi tắt là Dự án Hòa nhập), Hội thảo "Hỗ trợ tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân da cam" và "Phục hồi chức năng, chăm sóc người khuyết tật."

Tham dự có ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường; đại diện các cơ quan Trung ương và đối tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Bạc Liêu và 8 tỉnh tham gia Dự án.

Các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế cho nạn nhân da cam; hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật tại tỉnh Bạc Liêu; mô hình hỗ trợ sinh kế phụ nữ khuyết tật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai; hỗ trợ vốn kinh doanh, sản xuất nhỏ cho người khuyết tật và gia đình; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng cho người khuyết tật; cung cấp các thiết bị, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc cho người khuyết tật tại cộng đồng; hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật…

Ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường cho biết Dự án Hòa nhập triển khai từ năm 2021 tại 8 tỉnh gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

Đây là Dự án được Chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, có tính nhân văn sâu sắc góp phần hàn gắn vết thương, khép lại quá khứ, cùng hướng đến tương lai hợp tác và thịnh vượng.

Hội nghị được tổ chức tại Bạc Liêu nhằm sơ kết, đánh giá kết quả đã đạt được và lập kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023; đồng thời, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, mô hình dự án có kết quả tốt, tiềm năng với các đối tác triển khai Dự án.

Dự án Hòa nhập tập trung cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng cho người khuyết tật; củng cố và phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho các địa phương tham gia; cung cấp các thiết bị, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc cho người khuyết tật tại cộng đồng; hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.

[Hỗ trợ người khuyết tật: Không chỉ cho 'con cá' mà cần 'chiếc cần câu']

Trong 6 tháng đầu năm 2023, việc triển khai các nội dung của Dự án đạt được nhiều kết quả.

Dự án đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sự kiện thể thao ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) với chủ đề “Thể thao-Hòa nhập-Vươn lên” tại Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình giao lưu nghệ thuật “Thắp lửa niềm tin;” khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ và mở rộng địa bàn can thiệp của dự án tại 6 tỉnh, thành phố: Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên; cung cấp dịch vụ về phục hồi chức năng tại cơ sở y tế cũng như dụng cụ trợ giúp và chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc tại nhà cho cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật; triển khai các hoạt động khám sàng lọc, can thiệp phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin...

Tại Hội nghị, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh đây là dịp để địa phương có thể trao đổi, chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; học tập các kinh nghiệm, mô hình dự án tiềm năng với các đối tác triển khai chương trình hỗ trợ người khuyết tật.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Bạc Liêu có trên 10.000 người bị phơi nhiễm, hơn 6.000 người là nạn nhân của chất độc da cam; trong đó có gần 70% là nạn nhân thế hệ thứ 2. Chất độc này đã và đang di truyền đến nhiều thế hệ tiếp theo.

Với tinh thần “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam,” các cấp, ngành và Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin tỉnh đã vận động trên 21,9 tỷ đồng để xây dựng hơn 160 căn nhà “Mái ấm da cam,” tặng phương tiện, hỗ trợ vốn sản xuất cho 115 gia đình nạn nhân chất độc da cam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục