Tập đoàn PetroVietnam tiếp nhận 3 công ty dầu khí của Chevron

Ngày 17/6, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết đã tiếp nhận 100% cổ phần các công ty và quyền điều hành của Chevron tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 17/6, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết đã tiếp nhận 100% cổ phần các công ty và quyền điều hành của Chevron tại Việt Nam.

Trong đó, hai công ty thăm dò khai thác dầu khí được tiếp nhận gồm Công ty Chevron Vietnam (Block B), nắm giữ 42,38% quyền lợi tham gia Hợp đồng Chia sản phẩm ( PSC) Lô B & 48/95 và Công ty Chevron Vietnam (Block 52) nắm giữ 43,40% quyền lợi tham gia tại Hợp đồng Chia sản phẩm (PSC) Lô 52/97, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam.

Về công ty đường ống dẫn khí, PetroVietnam tiếp nhận Công ty Chevron Southwest Vietnam PipelineCo, nắm giữ 28,7% quyền lợi tham gia trong Dự án đường ống dẫn khí tự nhiên khai thác ngoài khơi phía Tây Nam tới các hộ tiêu thụ khí tại Việt Nam.

Việc PetroVietnam hoàn tất giao dịch mua lại tài sản của Chevron ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ phát triển mỏ và các dự án thành phần, sớm đưa nguồn khí vào phục vụ để phát triển nền kinh tế quốc dân.

Theo PetroVietnam, các Lô B & 48/95 và Lô 52/97 đã được các nhà thầu triển khai tìm kiếm thăm dò với khối lượng công việc lớn và trên diện rộng.

Dự án công trình Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn được đầu tư xây dựng để vận chuyển khí từ Lô B & 48/95 và Lô 52/97, cung cấp khí cho cụm nhà máy điện tại Ô Môn, Kiên Giang và bổ sung cho cụm khí điện đạm tại Cà Mau.

Tổng vốn đầu tư cho việc phát triển mỏ và xây dựng cụm công trình dự án khí - điện sử dụng Khí Lô B & 48/95 và Lô 52/97 dự kiến trên 10 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát điện công suất trên 4.000MW. Chuỗi dự án này sẽ góp phần phát triển mạnh khu vực Tây Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam, dự án Khí Lô B là dự án khai thác dầu khí trọng điểm của Tập đoàn.

Quá trình xây dựng và vận hành chuỗi dự án khai thác, xử lý, vận chuyển, chế biến khí, xây dựng vận hành các nhà máy điện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nam Bộ, góp phần bảo vệ môi trường do sử dụng nhiên liệu sạch, ổn định nguồn điện quốc gia, mở ra khả năng nối mạng với hệ thống dẫn khí của các nước trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục