Tập trận Vostok - Tín hiệu về một liên minh chính trị quân sự mới

Sự tham dự của Mông Cổ và Trung Quốc tại cuộc tập trận Vostok-2018, có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981, làm dấy lên dự báo về một liên minh chính trị-quân sự mới do Moskva đứng đầu.
Tập trận Vostok - Tín hiệu về một liên minh chính trị quân sự mới ảnh 1Binh sỹ Nga tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, từ ngày 11-15/9, Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận "Vostok-2018" (Phương Đông-2018) có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981.

Khoảng 300.000 binh sỹ Nga, 36.000 xe tăng, xe bọc thép, hơn 1.000 trực thăng, máy bay và thiết bị không người lái sẽ tham gia cuộc tập trận. Đặc biệt, sự tham dự của Mông Cổ và Trung Quốc làm dấy lên dự báo về một liên minh chính trị-quân sự mới do Moskva đứng đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết "Vostok-2018" có thể so sánh với "Zapad-81" (Phương Tây-81), thậm chí còn quy mô hơn.

Năm 1981, cuộc tập trận "Zapad-81" huy động hàng chục nghìn binh sỹ Liên Xô diễn tập việc đưa quân đội liên bang và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Vácsava vào lãnh thổ Ba Lan láng giềng. Lần này, các cuộc tập trận sẽ diễn ra tại tất cả các trường bắn của Quân khu Trung tâm và miền Đông.

Tham gia tập trận có hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội Bắc, cùng với đó là toàn bộ lực lượng đổ bộ. Điều kiện tập trận sẽ tương đồng tối đa với điều kiện chiến đấu trường thực.

[Vostok-2018 sẽ là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử nước Nga]

Kịch bản tập trận chưa được tiết lộ, song theo lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, với quy mô như vậy thì đây là cuộc tập dượt cho một cuộc chiến tranh lớn.

Theo chuyên gia quân sự Vasily Kashin, đây là cuộc tập trận chiến lược triển khai các đơn vị quân số lớn mà Nga chưa từng huy động trong bất kỳ cuộc xung đột nào từ trước tới nay. Trong các cuộc tập trận như vậy, không chỉ có lực lượng xe chiến đấu và đội ngũ chỉ huy cấp thấp, mà còn có cả các ban chỉ huy cấp quân khu và cao hơn, được kinh qua thực tiễn chiến đấu.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi "Vostok-2018" là cuộc chuẩn bị của Nga cho các "cuộc xung đột quy mô." Quyền đại diện NATO Dylan White cho biết "cuộc tập trận phù hợp với bối cảnh mà chúng ta đang thấy - một nước Nga kiên quyết hơn, tăng mạnh ngân sách quân sự và sự hiện diện quân sự của mình." Ông cho biết thêm hiện NATO đang xem xét lời mời của Nga gửi đến các tùy viên quân sự các nước NATO tham dự "Vostok-2018" với tư cách quan sát viên. Cho đến ngày 28/8, đã có tùy viên quân sự của Đức, Anh, Hy Lạp xác nhận sẽ trở thành quan sát viên của "Vostok-2018."

Ngoài việc lần này có số thành viên tham dự tập trận đông gấp đôi năm 1981, tham gia "Vostok-2018" còn có các binh sỹ Mông Cổ và Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo khoảng 3.200 binh sỹ, hơn 900 xe cơ giới và 30 thiết bị bay và trực thăng sẽ tới Nga để tham gia "Vostok-2018." Đáp lại, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố sự tham gia của quân đội Trung Quốc cho thấy hai nước đang mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.

Trong khi đó, chuyên gia Kashin lưu ý giai đoạn tập trận mà Trung Quốc tham gia sẽ trùng với thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế phương Đông với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kashin nhấn mạnh đây là cuộc tập trận chiến lược, khi các bộ tổng chỉ huy có thêm kinh nghiệm phối hợp lên kế hoạch cho chiến dịch chiến lược. Điều này quan trọng hơn là số lượng người hay vũ khí tham gia.

Aleksey Maslov, lãnh đạo Trường phương Đông học thuộc Viện Kinh tế cấp cao, nhận định cuộc tập trận được coi là bằng chứng về một liên minh chính trị-quân sự chống Mỹ giữa Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ đang muốn củng cố sự hiện diện của mình tại Đông Á và Đông Nam Á, nơi họ đang đàm phán tích cực với Philippines và mới đây đã tiến hành tập trận với Hàn Quốc. Theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực nhằm khẳng định họ không chỉ là cường quốc kinh tế, mà còn là cường quốc quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.