Thực hiện chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, ngày 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về lĩnh vực giáo dục-đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời một số vấn đề được các đại biểu quan tâm về vấn đề dạy và học theo văn mẫu; việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đặt câu hỏi về chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy chất lượng dạy và học, nhất là chấm dứt tình trạng soạn mẫu trong việc dạy và học môn Ngữ văn.
Trả lời đại biểu tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Ngữ văn là môn học có tầm quan trọng to lớn trong định hướng giáo dục, góp phần bồi đắp tình cảm cũng như các năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh, nhất là từ bậc tiểu học với môn tiếng Việt. "Tăng cường năng lực ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng, nhưng trước hết các thế hệ học sinh của chúng ta phải giỏi tiếng Việt, cho nên Ngữ văn là môn cần được chú ý," Bộ trưởng nói.
[Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hạn chế dịch tác động tiêu cực đến giáo dục]
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vừa qua trong một số cuộc họp và công tác chỉ đạo, ông có nêu việc cần chấm dứt và ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Đặc biệt, việc giáo viên đọc cho học sinh chép hoặc soạn bài văn mẫu cho học sinh học thuộc "rất tai hại" cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc và tình cảm, sự chân thành của học sinh. Sắp tới, ngành Giáo dục sẽ có hàng loạt biện pháp điều chỉnh mang tính chuyên môn để khắc phục lối dạy học "đọc-chép" và dùng văn mẫu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần xác định đây là công việc mang tính chất lâu dài.
Quan tâm tới việc nâng cao các kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, trong đó có kỹ năng sống; kỹ năng phối hợp, hợp tác; tổ chức chỉ đạo, đổi mới sáng tạo; kỹ năng giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống..., đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng trách nhiệm này liên quan đến cả gia đình, nhà trường và xã hội, bởi không chỉ cần giáo dục qua sách vở mà còn qua nhiều hình thức đa dạng.
"Tuy nhiên, do đại dịch mà nhiều thời điểm, nhiều nơi chúng ta đã phải chuyển việc dạy và học sang hình thức trực tuyến. Việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên có nhiều khó khăn, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, nhất là trong tình huống dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài?," đại biểu Tuấn nêu câu hỏi.
Thừa nhận việc dạy học trực tuyến ở trong thời gian vừa qua đã gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực tiếp, tiếp xúc và thực hành trực quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế cho việc dạy học trực tiếp. Do đó, theo ông Nguyễn Kim Sơn, nếu học sinh quay trở lại trường, ngoài trang bị kiến thức cần củng cố, tăng cường trang bị kỹ năng cho các em. Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa cả gia đình và nhà trường, trong đó có phần trách nhiệm lớn của phụ huynh học sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, tư lệnh ngành Giáo dục cho rằng, để tăng cường chất lượng thực sự cần một giải pháp hết sức tổng thể: "Việc đầu tiên là cần phải củng cố, tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin về trang thiết bị. Đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, phải rà soát để thực hiện đúng các thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, một việc rất quan trọng là tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng cho học sinh," Bộ trưởng nêu giải pháp; đồng thời cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành nghiên cứu để có các văn bản hướng dẫn đối với việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình học trực tuyến, kéo dài.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) về tình trạng một số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí lớn về nguồn lực xã hội, trong đó có nguyên nhân do chất lượng đào tạo tại một số trường đại học không gắn với nhu cầu xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định có rất nhiều việc cần làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt.
Bộ trưởng cho rằng ở đây có vai trò của việc xác định mối liên hệ phù hợp giữa cung và cầu, thực tế đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Một khâu quan trọng khác là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đồng thời, chất lượng đào tạo cũng là yếu tố cần được quan tâm.
"Nếu như việc xác định, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực không chính xác và việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực cũng sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên lĩnh vực này thì thiếu, lĩnh vực khác thừa, nên công tác dự báo rất quan trọng, song song với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kỹ năng cho sinh viên," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội là công việc lớn. Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, cao hơn là việc làm tốt cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể, trong đó có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, ngành nghề, số lượng đào tạo cho phù hợp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là những nhóm giải pháp tiêu biểu trong rất nhiều giải pháp cần được triển khai nhằm đáp ứng được nhiệm vụ này./.