Tập trung đào tạo nguồn nhân lực khoa học-công nghệ vùng ĐBSCL

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới tại vùng ĐBSCL hiện mới chỉ giải quyết một số vấn đề trước mắt, còn thiếu các nhiệm vụ KHCN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực khoa học-công nghệ vùng ĐBSCL ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Ngày 15/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần XXVI năm 2022.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển bền vững cho vùng; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.

Các Sở Khoa học và Công nghệ cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ như hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; đầu tư nâng cao tiềm lực; thanh tra, thông tin thống kê cơ sở dữ liệu khoa học-công nghệ; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học-công nghệ…

Bộ trưởng đề nghị các Sở Khoa học và Công nghệ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế-xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương.

Tại Hội nghị, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết trong giai đoạn 2018-2022, toàn vùng đã cử gần 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; có 9.686 sáng kiến được công nhận và áp dụng vào các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế...

Đến nay, toàn vùng có tổng số có 55 doanh nghiệp được thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (theo các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến...)

[Vùng kinh tế phía Nam: Đào tạo cần gắn kết với thị trường lao động]

Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ do Trung ương cân đối cho 13 tỉnh/ thành phố là 1.736 tỷ đồng; kinh phí được Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt là 1.809 tỷ đồng đạt 104% so với Trung ương thông báo.

Một số địa phương phê duyệt mức kinh phí cao Kiên Giang (163%), Trà Vinh (145%), Bến Tre (130%)...

Một số địa phương phân bổ mức kinh phí còn thấp: Sóc Trăng (67%), Bạc Liêu (85%)... Ước kinh phí thực hiện đến tháng 8/2022 đạt 1.612 tỷ đồng (đạt 89% so với Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt).

Các tỉnh An Giang, Bến Tre, Hậu Giang... dự kiến số kinh phí sử dụng đạt trên 95% so với kế hoạch.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực khoa học-công nghệ vùng ĐBSCL ảnh 2Quang cảnh Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long lần XXVI năm 2022 diễn ra tại Sóc Trăng. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Tổng kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong vùng giai đoạn 2018-2022 do Trung ương cân đối cho các tỉnh/thành phố trong vùng là 831 tỷ đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt 1.176 tỷ đồng, ước tính kinh phí thực hiện đến tháng 8/2022 là 745 tỷ đồng (đạt 63%). Một số tỉnh đã sử dụng kinh phí đạt tỷ lệ cao như Cà Mau, Kiên Giang…

Tổng kinh phí huy động nguồn xã hội hóa là khoảng 430 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn đối ứng của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, chương trình phát triển tài sản trí tuệ…

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 39 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí 345,795 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế như hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn.

Vùng chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ...

Thời gian tới, các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vào một số định hướng gồm chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bố trí nguồn ngân sách chi cho khoa học và công nghệ trong kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ hàng năm dần tiệm cận tới mức 2% trong tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; tăng cường hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục