Tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm gắn với các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Cống Xuân Quang là công trình đầu tiên của Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, Hưng Yên nhìn từ trên cao. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Cống Xuân Quang là công trình đầu tiên của Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, Hưng Yên nhìn từ trên cao. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng năm 1958, gồm sông, đập dài hơn 230km, trạm bơm, đê điều phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho bốn tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.

Những năm gần đây, hệ thống công trình này ngày càng ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô.

Sau gần 1 năm thực hiện nhiệm vụ theo Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 9/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có kết quả bước đầu.

Phối hợp liên ngành, liên địa phương

Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước thải sinh hoạt từ các đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm khoảng 72%) của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bên cạnh đó là nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi. Phần lớn những cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định.

Ngay sau khi có Thông báo số 315/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp thị sát và làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi này.

TTXVN_3105Bachunghai2.jpg
Rác thải lấp kín mặt sông Cầu Treo, đoạn qua địa bàn xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đây là sông nội đồng thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải.(Ảnh: TTXVN phát)

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được tổ chức giữa tháng 5/2024, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã xây dựng dự thảo Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải; thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải;” “Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ- Đáy;” xây dựng Cơ sở Dữ liệu Môi trường Quốc gia trong đó có quản lý các thông tin nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Năm 2023, Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức kiểm tra 23 cơ sở có hoạt động xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải gồm 5 cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương, 5 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và 7 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Qua đó, thực hiện xử phạt 7 cơ sở có hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường và Công an 4 địa phương đã xử lý hàng trăm vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 28 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Nếu cần thiết sẽ thành lập Ban Quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh rõ ràng. Từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp giữa các địa phương.

Triển khai đồng thời nhiều giải pháp

Để hạn chế ô nhiễm, các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.Đối với hoạt động thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, thành phố Hưng Yên đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 6.300 m3/ngày đêm.

Thành phố Hải Dương đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 13.000 m3/ngày đêm. Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án, kinh phí đầu tư và thống nhất địa điểm xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Lương Tài. Thành phố Hà Nội đã lập kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, An Lạc, Đông Dư, Phú Thị để xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất khoảng 70.000 m3/ngày đêm.

TTXVN_3105Bachunghai3.jpg
Đoạn kè Ecopark thuộc Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, Hưng Yên được xây dựng năm 2021 có chiều dài 280m, vốn đầu tư gần 10,3 tỷ đồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cùng với đó, Hà Nội đã lắp đặt 1 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục trên sông Cầu Bây. Tỉnh Hải Dương lắp đặt 4 trạm và tỉnh Hưng Yên lắp đặt 4 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục.

Các số liệu quan trắc được kết nối trực tuyến về Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng và các lưu vực sông nói chung.

Đặc biệt, Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang lên kế hoạch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường khoanh vùng và giám sát các nguồn phát thải cao, nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải thông qua dữ liệu trực tiếp thu về từ trạm viễn thám Vnredsat-1, Spot 6 và các loại dữ liệu phụ trợ khác.

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, dữ liệu từ trạm vệ tinh có nhiều trường thông tin, Cục sẽ bóc tách nguồn ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm, cùng với thông số từ các trạm quan trắc để dự báo, cảnh báo và đề xuất xử lý vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục