Tập trung xây dựng hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Nhìn nhận một cách tích cực, dịch COVID-19 là cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN nói chung.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, dịch COVID-19 là cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Hơn 70% doanh nghiệp “loay hoay” ứng dụng công nghệ số

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã công bố báo cáo "Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19 và phát triển" để đánh giá những tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.

Đồng thời, báo cáo khái quát "bức tranh" tương đối toàn diện về những tác động của dịch COVID-19 đem lại cho doanh nghiệp trên nhiều phương diện khác nhau từ sản xuất, bán hàng và kinh doanh...

Nhìn nhận một cách tích cực, dịch COVID-19 cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Theo khảo sát của CISCO, hiện nay tại Việt Nam  hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "loay hoay" chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, các doanh nghiệp nhận ra sự cạnh tranh bắt phải thực hiện chuyển đổi số để "tồn tại."

Ông Adrian Gunadi - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Investree, ASEAN BAC Indonesia cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Indonesia cũng đang thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và cần được hỗ trợ bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang hoạt động thủ công khi chuyển đổi chưa biết giải pháp và lộ trình chuyển đổi phù hợp để tiếp cận hiệu quả khi chuyển đổi số.

[Chuyển đổi số, ASEAN sẽ là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo]

Chia sẻ kinh nghiệm quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết trước đây, VNPT chỉ là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng nhờ chuyển đổi số mà giờ đây nhiều khách hàng biết đến doanh nghiệp với chức năng cung cấp dịch vụ số. Thực tế, chính dịch COVID-19, là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển liên quan đến các ý tưởng chuyển đổi số.

Thực tế, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua bị suy giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19, các hoạt động liên quan tới sản xuất, bán hàng, xuất khẩu... cũng bị ảnh hưởng do thị trường nước ngoài bị thu hẹp, ngược lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm khách hàng ngay tại thị trường trong nước, doanh thu của các doanh nghiệp suy giảm trầm trọng cho thấy tính cấp thiết trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tồn tại.

Tập trung xây dựng hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong phát triển công nghệ số; sớm ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025; quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước; sớm ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Theo đó, năm 2021, cơ bản hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng các nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Thực tế, nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có những thay đổi tích cực nhưng công nghệ số chỉ được các doanh nghiệp ứng dụng đối với hoạt động quản trị, logistic, marketing trong khi các vấn đề "khởi đầu" ứng dụng từ sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.

Doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực để tiến hành chuyển đổi số, song mới nằm ở mức độ cơ bản, sơ khai; tỷ lệ số hóa trong sản phẩm, dịch vụ còn thấp do những "rào cản" trong chuyển đổi số như chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số; rò rỉ dữ liệu của doanh nghiệp; thiếu nhân lực có trình độ... Do đó, chính phủ cần có thêm hỗ trợ ngoài cơ sở hạ tầng chuyển đổi số như hỗ trợ tài chính trong ứng dụng công nghệ số; minh bạc hóa các quy tắc quy định về quản lý dữ liệu... để các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và hỗ trợ xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên để các doanh nghiệp chuyển đổi số "thành công" mang lại hiệu quả trong việc phát triển bền vững, không thể làm “phong trào,” mà đối với từng doanh nghiệp phải xem xét, lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp và xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một cuộc "chơi" để tồn tại và phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi chuyển đổi số để không bị tụt lại phía sau trong bối cảnh cạnh tranh "khốc liệt" để tồn tại và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục