Theo THX và Reuters, ngày 30/3, tất cả nhân viên thuộc Bộ Nội vụ Ukraine đã được đưa ra khỏi Crimea.
Theo cơ quan báo chí của bộ trên, khoảng 1.100 nhân viên này "đã được tái triển khai tại Ukraine."
Cùng ngày, vùng lãnh thổ Crimea đã chuyển sang theo giờ Moskva. Theo Nghị viện Crimea, các lịch trình tàu hỏa, phương tiện vận tải đường thủy, các dịch vụ hàng không và viễn thông đã đổi sang theo giờ Moskva từ ngày 30/3 để phù hợp với một nghị quyết đã đạt được trước đó.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/3, phát biểu trước thềm cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đối với nước này đã dẫn tới một số thiệt hại song không quá lớn.
Phát biểu trên trên truyền hình Channel One của Nga, ông Lavrov nói: “Chúng ta không thoải mái lắm vì có các lệnh trừng phạt song chúng không đem lại cảm giác đau đớn. Chúng ta đã sống qua những thời kỳ khó khăn hơn.”
Ông Lavrov cho biết thêm rằng các cường quốc Phương Tây đã đưa ra những hạn chế không chính thức khi hối thúc các nhà ngoại giao của họ tại Moskva tẩy chay các cuộc gặp có sự tham gia của các quan chức và nhà lập pháp Nga nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Các nhà ngoại giao Nga tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng bị từ chối tới dự các cuộc họp với các quan chức của bộ ngoại giao các nước EU.
Dự kiến các ngoại trưởng Nga, Mỹ sẽ gặp gỡ tại Paris trong ngày 30/3 khi cả hai bên đều muốn giảm nhẹ căng thẳng trong cuộc đối đầu Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimia Putin cho biết muốn tiếp tục có các cuộc tiếp xúc "cứng rắn nhưng mang tính xây dựng" với Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề Ukraine.
Theo người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin, các cuộc điện đàm giữa ông Putin và bà Merkel thực sự hữu ích.
Mặc dù quan điểm giữa hai nước về cuộc khủng hoảng Ukraine có khác biệt về một số điểm, Moskva kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc như vậy./.