Tàu Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thay đổi chính sách ở Biển Đông?

Tàu chiến Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thay đổi chính sách ở Biển Đông?

Quân đội Mỹ đang cân nhắc sử dụng máy bay và tàu chiến hải quân để trực tiếp chống lại tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra với một loạt hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thay đổi chính sách ở Biển Đông? ảnh 1Máy bay EA-18G Growler thuộc phi đội VAQ137 cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quân đội Mỹ đang cân nhắc sử dụng máy bay và tàu chiến để trực tiếp can thiệp vào tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra với một loạt hòn đảo nhân tạo đang được nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu trợ lý xem xét các giải pháp mà Mỹ có thể sử dụng, gồm cho máy bay hoạt động trên các hòn đảo này hoặc điều tàu chiến Mỹ tới khu vực nằm cách các hòn đảo khoảng 20km.

Theo tờ Wall Street Journal, các động thái như thế, nếu được Nhà Trắng thông qua, sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ không tán thành tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra với những hòn đảo nhân tạo kể trên.

Lầu Năm Góc tính toán rằng việc lên kế hoạch quân sự và bất kỳ hoạt động điều quân nào cũng sẽ giúp tăng áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này phải nhượng bộ trên vấn đề đảo nhân tạo. Nhưng cũng có khả năng Bắc Kinh sẽ tăng cường xây dựng để chống lại áp lực từ Mỹ. Thậm chí nước này còn triển khai các bước đi khác để tăng cường tuyên bố chủ quyền, theo WSJ.

Mỹ hiện đã tuyên bố không ghi nhận các hòn đảo nhân tạo nêu trên thuộc chủ quyền Trung Quốc. Tuy nhiên Hải quân Mỹ vẫn chưa gửi máy bay hay tàu chiến tới khu vực cách các hòn đảo này khoảng 20km, để tránh làm gia tăng căng thẳng.

Nếu Mỹ thách thức tuyên bố của Trung Quốc bằng cách sử dụng tàu hoặc máy bay và Bắc Kinh vẫn kiên quyết bảo vệ hành động của mình, kết quả là căng thẳng sẽ tăng lên trong khu vực, khiến các bên dễ dùng giải pháp quân sự hơn.

Theo nhiều ước tính của Mỹ, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhân tạo mà nước này đang kiểm soát trái phép ở Trường Sa lên tới 8km2, so với mức chỉ 2km2 trong năm ngoái. Tháng trước, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc thậm chí còn xây đường băng trên một đảo nhân tạo. Đường băng này đủ dài để đón các máy bay chiến đấu và máy bay do thám của Trung Quốc.

Mỹ từng sử dụng quân đội để thách thức các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc. Đơn cử như tháng 11/2013, Mỹ đã điều 2 chiếc B-52 bay trên các quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Động thái này nhằm thách thức với vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tự ý thiết lập ra trong khu vực.

Trong nhiều năm, các tàu và máy bay Mỹ cũng đã có vài lần chạm trán với lực lượng quân sự Trung Quốc, thường do Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền phi lý.

Tháng 3/2001, Trung Quốc đã ra lệnh cho một tàu khảo sát không người lái của Mỹ ra khỏi một vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Hải, cho rằng nó đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc. Mỹ đã không chấp nhận tuyên bố này và vài ngày sau, con tàu trở lại Hoàng Hải cùng sự hộ tống của một tàu vũ trang.

Tháng 4/2001, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã va phải một máy bay do thám điện tử của Mỹ gần đảo Hải Nam ở biển Đông. Vụ va chạm buộc chiếc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp.

Năm 2003, một số “tàu cá” Trung Quốc đã đâm vào một tàu khảo sát Mỹ, chính là chiếc bị đuổi khỏi Hoàng Hải hồi năm 2001, khiến tàu bị hư hỏng.

Tháng 3/2009, tàu quân sự và chính quyền Trung Quốc bao vây một tàu khảo sát Mỹ ở biển Đông, tại khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép. Cuộc bao vây khiến tàu Mỹ phải thực hiện biện pháp né tránh. Ngày hôm sau nó đã trở lại làm nhiệm vụ cùng một khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển.

Tháng 12/2013, một tàu Trung Quốc đã cản đường tuần dương hạm Cowpens của Mỹ trên biển Đông, buộc con tàu phải đảo hướng để tránh va chạm.

Tháng 8/2014, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã có hành vi chặn đường nguy hiểm với một máy bay tuần tra biển của Mỹ, đang bay trên không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam 200km về phía Đông.

Thời gian qua, đã có nhiều lời kêu gọi Mỹ cần tăng sức ép để Bắc Kinh ngừng hoạt động xây dựng, củng cố đảo nhân tạo.

Mấy tháng gần đây, Nhà Trắng đã tăng áp lực qua các kênh ngoại giao, nêu đích danh Trung Quốc tại các cuộc họp báo và trong báo cáo của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên có vẻ như Bắc Kinh không lắng nghe và thay đổi, buộc phía Mỹ phải tìm cách tăng thêm áp lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.