Tàu chở dầu cỡ lớn do AI lái lần đầu băng qua đại dương

Prism Courage, một tàu chở dầu tải trọng 134.000 tấn, gần đây đã ra khơi từ vịnh Mexico đến Hàn Quốc. Con tàu được điều khiển hầu hết bởi một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên HiNAS 2.0.
Tàu Prism Courage đã được một hệ thống trí tuệ nhân tạo điều khiển trong hành trình vượt đại dương. (Nguồn: Oddity Central)

Avikus, một công ty con của tập đoàn công nghệ khổng lồ Hyundai của Hàn Quốc, gần đây đã thông báo rằng Prism Courage - một tàu chuyên vận chuyển khí đốt tự nhiên - đã trở thành tàu hàng cỡ lớn đầu tiên có khả năng tự vượt biển mà không cần con người can thiệp, trong hành trình dài hơn 10.000 km.

Chìa khóa cho thành tựu đáng kinh ngạc này là HiNAS 2.0, một hệ thống lái tự động được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống có khả năng nhận dữ liệu từ các loại cảm biến khác nhau và phân tích xử lý thông tin theo thời gian thực, để đảm bảo việc vận hành tàu an toàn, tuân theo các quy tắc của luật hàng hải

Prism Courage rời cảng Freeport, bang Texas của Mỹ vào ngày 1/5 năm nay. Tiếp đó, tàu đi qua kênh đào Panama ở Thái Bình Dương và mất thêm 33 ngày nữa để đến Cảng tiếp nhận khí hóa lỏng Boryeong ở Hàn Quốc.

Phần sau của hành trình đã do HiNAS 2.0 thực hiện hoàn toàn. Trong suốt thời gian hệ thống này lái tàu, khả năng làm việc của nó đã được các cơ quan quản lý tàu thuyền của Mỹ và Hàn Quốc giám sát và đánh giá cẩn thận.

Dữ liệu cho thấy HiNAS đã tăng hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu lên thêm 7%, qua đó giảm phát thải khí nhà kính 5%. Hơn nữa, hệ thống đã nhận diện rất chính xác vị trí của các tàu ở gần nó và điều chỉnh để tránh va chạm khoảng 100 lần. 

Giống như trên những chiếc máy bay, các tàu biển thường được trang bị những hệ thống tự lái hết sức tiên tiến, có khả năng giữ tàu đi theo một hành trình ổn định, bám sát các mốc chỉ đường dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS. Thậm chí hệ thống này còn có khả năng tự đưa tàu cập cảng, trong tình huống thủy thủ đoàn không có mặt trên tàu, hoặc không có khả năng tự cập cảng.

HiNAS có khả năng nhận và phân tích dữ liệu từ nhiều cảm biến gắn trên tàu theo thời gian thực. (Nguồn: Oddity Central)

Tuy nhiên, việc cho tàu chạy theo chế độ tự hành trên biển suốt một hành trình dài hàng chục ngàn cây số qua Đại Tây Dương phức tạp hơn rất nhiều so với việc chỉ dùng chế độ lái tự động đơn thuần.

Ngoài việc điều khiển tàu chở dầu theo thời gian thực, hệ thống HiNAS 2.0 còn có khả năng chọn các tuyến đường tối ưu và tốc độ nhanh nhất để đến địa điểm định sẵn, thông qua việc phân tích dữ liệu thu thập được từ các cảm biến tiên tiến của tàu. Hệ thống có thể tính toán để bù trừ cho những yếu tố xuất hiện khi tàu vận hành trên biển như thời tiết và độ cao của con sóng, đồng thời không đến quá gần các tàu khác để tránh va chạm.

 “Công nghệ tự hành của Avikus đã giúp ích rất nhiều trong cuộc thử nghiệm vượt biển này, đặc biệt trong việc duy trì hành trình di chuyển, tự động đảo hướng và tránh các tàu lân cận. Tất cả đều giúp tăng sự tiện lợi cho công việc của thủy thủ đoàn”, thuyền trưởng Young-hoon Koh của tàu Prism Courage cho hay.

Được thành lập vào năm 2020, Avikus có khả năng chế tạo một hệ thống lái tàu biển tự hành chỉ sau có 2 năm. Phiên bản HiNAS mới nhất được công ty giới thiệu vào đầu năm nay tại triển lãm công nghệ CES 2022. Với thành công mới nhất này, công ty đã công bố kế hoạch thương mại hóa hệ thống HiNAS 2.0 ” trong năm nay”, ngay sau khi nhận được chứng nhận từ Cục Hàng hải Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục