Một con tàu chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/7 đã bắt đầu lên đường tới Dải Gaza mang theo hàng cứu trợ cho người Palestine. Hoạt động này được thực hiện theo một thỏa thuận giữa Ankara và Tel Aviv nhằm cải thiện quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.
Chiếc tàu mang tên "The Lady Leyla" treo cờ Panama chở hơn 10.000 tấn hàng bao gồm thực phẩm và đồ chơi cho trẻ em, đã khởi hành từ cảng phía nam Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo trang mạng NTV, con tàu này sẽ mất 30 giờ để tới Israel và lô hàng viện trợ sẽ đến Dải Gaza của Palestine trước dịp lễ Eid của người Hồi giáo vào ngày 5/7, đánh dấu việc kết thúc tháng lễ Ramadan.
Chuyến hàng này là một phần trong thỏa thuận mang tính đột phá giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vừa đạt được trong tuần này nhằm khôi phục lại quan hệ giữa hai bên, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được phép gửi hàng viện trợ nhân đạo thường xuyên cho người dân Palestine ở Dải Gaza.
Đảng Hồi giáo AKP cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ tốt đẹp với phong trào Hamas của Palestine ở Dải Gaza. Ankara đang tìm cách dỡ bỏ các lệnh phong tỏa đường biển của Israel chống lại người Palestine, tuy nhiên theo thỏa hiệp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, hàng viện trợ sẽ được gửi thông qua cảng Ashdod của Israel. Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Dải Gaza.
Cùng với việc cho phép nối lại các hoạt động cứu trợ cho người Palestine, Israel cũng đã đưa ra một lời xin lỗi và bồi thường trong vụ tấn công tàu chở hàng cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ gây chết người để đổi lại việc cải thiện quan hệ với Ankara.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết rằng chuyến hàng viện trợ này sẽ là "lần thử nghiệm đầu tiên" để xem liệu Israel có giữ đúng vai trò hỗ trợ hay không. Phong trào Hamas của Palestine đã bày tỏ cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ về chuyến hàng viện trợ, song kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng áp lực đối với Israel nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài hàng thập kỷ tại Dải Gaza.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel từng là đồng minh thân cận trong khu vực. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã rơi vào khủng hoảng trong năm 2010, khi lính Israel giết chết 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc đột kích nhằm vào đội tàu chở hàng viện trợ cho Dải Gaza./.