Sau nhiều tháng trì hoãn, quả tên lửa mạnh nhất mà nhân loại từng chế tạo đã rời bệ phóng ở Florida, Mỹ, mang theo tàu vũ trụ Orion để thử nghiệm khả năng đưa con người trở lại Mặt trăng.
Nhiệm vụ Artemis 1 bao gồm tàu vũ trụ Orion, với khả năng chở theo 6 phi hành gia, đặt trên đỉnh Hệ thống Phóng Không gian (SLS) cao 30 tầng.
Quả tên lửa đẩy khổng lồ này đã tạo ra lực đẩy mạnh tới 3,9 triệu kg để cất cánh vào lúc 1 giờ 47 sáng ngày 16/11 từ Bệ phóng 39B tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở Florida.
Con tàu sẽ bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 30 ngày, dài 2,1 triệu km đi tới Mặt trăng và quay trở lại.
Chuyến bay này là nhiệm vụ đầu tiên trong ba nhiệm vụ thử nghiệm quan trọng, nhằm kiểm tra phần cứng, phần mềm và hệ thống mặt đất, nhằm phục vụ mục tiêu thiết lập căn cứ của con người trên Mặt trăng và vận chuyển người tới sao Hỏa.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên này, một phần của chương trình Artemis, được đặt tên theo người chị song sinh của vị thần Hy Lạp cổ đại Apollo. Theo sau nó là các nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3, sẽ được triển khai vào năm 2024 và 2025/2026.
Artemis 2 sẽ thực hiện hành trình tương tự như Artemis 1, nhưng với phi hành đoàn gồm bốn người. Trong khi đó Artemis 3 sẽ đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên hạ cánh xuống Mặt trăng.
"Chúng ta đã bắt đầu," NASA viết trên trang Twitter chính thức sau cuộc phóng Artemis 1. "Lần đầu tiên tên lửa SLS và tàu Orion của NASA bay cùng nhau. Artemis 1 bắt đầu một chương mới trong hành trình khám phá Mặt trăng của con người."
2 phút 12 giây sau khi cất cánh, hai tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn gắn bên hông của Artemis 1 đã tách ra để lao xuống Đại Tây Dương. Khoảng sáu phút sau, các động cơ lõi của SLS tắt và hai tầng dưới của quả tên lửa cũng tách ra.
Từ đây, Orion và tầng trên của SLS thực hiện một chuyến bay ngắn quanh quỹ đạo ngắn của Trái đất. Sau đó hệ thống bật động cơ trong 22 giây để di chuyển ra xa hơn khỏi Trái đất.
Cuối cùng, tầng trên của SLS thực hiện lần bật động cơ thứ hai, đốt cháy nhiên liệu trong 18 phút, giúp tăng tốc độ của tàu Orion từ 28.164 km/h lên 36.371 km/h, qua đó đưa con tàu thoát hẳn khỏi lực hấp dẫn của Trái đất và thẳng tiến tới Mặt trăng.
[SpaceX dự kiến thời điểm phóng tàu vũ trụ Starship]
Đây là nỗ lực thứ tư của NASA để thực hiện nhiệm vụ Artemis 1. Hai lần đầu đã không thành công vì các vấn đề kỹ thuật, bao gồm rò rỉ khí hydro và cảm biến nhiệt độ bị nghi ngờ có lỗi trong một trong các động cơ của tên lửa. Lần phóng thứ ba đã bị hủy bỏ khi cơn bão Ian đổ bộ vào Florida vào cuối tháng 9, buộc NASA phải di chuyển tên lửa trở lại nhà chứa an toàn.
Lần phóng thứ tư này cũng có khá nhiều trở ngại kỹ thuật. Tên lửa đẩy được phát hiện có rò rỉ tại đường dẫn nhiên liệu hydro và kết nối Internet bị lỗi đã ảnh hưởng tới hệ thống radar quan trọng, khiến các kỹ sư phải cố gắng khắc phục sự cố trước khi cửa sổ phóng đóng lại. Sự cố khiến động cơ bị khởi động chậm so với kế hoạch. Rất may các sự cố này đều được khắc phục kịp thời.
Theo kế hoạch, Orion sẽ thực hiện hai lần bay ngang qua Mặt trăng ở độ cao 100 km so với bề mặt, trước khi quay trở lại Trái đất.
Xếp gọn trên tàu Orion là ba ma-nơ-canh mà NASA sẽ sử dụng để kiểm tra mức độ bức xạ và nhiệt trong suốt chuyến bay.
Khi Orion quay trở lại, nó sẽ trở lại nóng hơn và nhanh hơn bất kỳ phương tiện vũ trụ nào từng được chế tạo. Nó sẽ nóng tới 2.800 độ C khi đi vào bầu khí quyển Trái đất, với tốc độ lớn gấp 32 lần tốc độ âm thanh. Nhiệt độ này sẽ khiến lá chắn nhiệt của con tàu được thử thách kỹ càng.
Lá chắn nhiệt sẽ dùng lực cản của không khí để giảm tốc của con tàu. Cuối cùng, một hệ thống dù hãm sẽ làm Orion chỉ còn di chuyển với tốc độ 32,2 km/h. Tàu sẽ hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương, sẵn sàng để được thu hồi.
NASA đang rất cần Artemis 1 phải thành công, bởi toàn bộ nhiệm vụ này có chi phí rất cao. Tới nay NASA đã tiêu tốn hơn 40 tỷ USD để phát triển chương trình. Tới cuối năm 2025, khả năng chương trình tiêu tốn khoảng 93 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp chi phí cao, NASA khẳng định rằng chương trình này đáng giá. Theo NASA, dự án Artemis không chỉ thúc đẩy đổi mới công nghệ mà còn là một bước quan trọng tiếp theo trong nỗ lực khám phá vũ trụ của con người./.