Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 20/1 thông báo Tàu đổ bộ thông minh khảo sát Mặt Trăng (SLIM) của nước này đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, đồng thời cho biết đang tiến hành kiểm tra tình trạng hiện tại của con tày sau khi thiết lập được liên lạc.
Nếu thành công, tàu SLIM, đi vào quỹ đạo ngày 25/12/2023, sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh tại Mặt Trăng, tiếp nối các cuộc đổ bộ của Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này.
JAXA hy vọng cuộc thám hiểm này sẽ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của Mặt Trăng bằng cách tiến hành phân tích thành phần của các loại đá được cho là một phần của bề mặt của thiên thể này qua những tính năng ưu việt của SLIM, con tầu được mệnh danh là "Người bắn tỉa Mặt Trăng."
Theo cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Nhật Bản, tàu SLIM được thiết kế để thử nghiệm công nghệ tiến hành hạ cánh chính xác trên bề mặt của các vật thể có lực hấp dẫn với độ chính xác chưa từng có, chỉ cách mục tiêu dự định dưới 100m, trái ngược với các tàu đổ bộ Mặt Trăng trước đây, vốn có độ chính xác trong khoảng vài km đến vài chục km.
JAXA hy vọng rằng sự kiện SLIM hạ cánh thành công sẽ tạo ra bước chuyển đổi từ kỷ nguyên "hạ cánh ở nơi có thể" sang "hạ cánh ở nơi mong muốn" cho các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai, có thể bao gồm tìm kiếm nước, yêu cầu hạ cánh chính xác trên những địa hình không bằng phẳng, chẳng hạn như các bề mặt có độ dốc.
Tàu thám hiểm SLIM được phóng bằng tên lửa H2A vào ngày 7/9/2023 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào khoảng tháng 5/2023 nhưng đã bị trì hoãn do việc phóng tên lửa H3 thế hệ tiếp theo của Nhật Bản không thành công vài tháng trước đó. Đến tháng 8/2023, vụ phóng tiếp tục bị hoãn do thời tiết./.
Tàu thăm dò của Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng
Tàu thăm dò Danuri của Hàn Quốc công bố bản đồ toàn diện về Mặt Trăng trong khi tàu thám hiểm SLIM của Nhật Bản đã đi thành công vào quỹ đạo của vệ tinh lớn thứ 5 trong hệ Mặt Trời.