Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 24/9 thông báo tàu vũ trụ không người lái Mangalyaan của nước này đã đi vào quỹ đạo của Sao Hỏa thành công, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận được với Hành tinh Đỏ ngay trong lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh không gian này.
"Ấn Độ đã tiếp cận Sao Hỏa thành công. Chúc mừng toàn thể nhân dân, đất nước, trang sử mới đã được viết nên vào hôm nay," ông Modi phát biểu từ trạm điều khiển mặt đất thuộc Trung tâm Nghiên cứu không gian quốc gia nằm ở miền Nam Ấn Độ.
Đây được coi là thành tựu lớn đối với ngành hành không vũ trụ tự phát triển với chi phí thấp của đất nước đông dân thứ hai thế giới.
"Tôi cũng xin được thông báo rằng số lượng nhà khoa học tham gia sứ mệnh này thậm chí còn ít hơn số kỹ sư bỏ công làm một bộ phim Hollywood," ông Modi nói trong buổi truyền hình trực tiếp.
Theo AFP, chi phí cho sứ mệnh không gian này của Ấn Độ chỉ tiêu tốn 74 triệu USD, tức còn ít hơn kinh phí 100 triệu USD của bộ phim bom tấn về đề tài không gian đoạt giải Oscar là "Gravity" (Trọng lực).
Với thành công này, Ấn Độ cũng đã gia nhập nhóm cường quốc đã tiếp cận được với hành tinh Đỏ gồm Mỹ, Nga và châu Âu.
Theo BBC, tàu Mangalyaan đã đi vào quỹ đạo Sao Hỏa sáng sớm ngày 24/9 sau hành trình từ Trái Đất kéo dài suốt 10 tháng.
Động cơ của tàu khi đó đã hoạt động chậm lại để phù hợp với trọng lực của Sao Hỏa.
Theo kế hoạch, tàu sẽ tiến hành nghiên cứu bề mặt và bầu không khí Sao Hỏa, nhằm cung cấp bằng chứng về sự sống tại hành tinh này.
Tàu sẽ bay vòng quanh Sao Hỏa trong vòng sáu tháng, với độ cao khoảng 500km so với mặt đất, thu thập dữ liệu và truyền về Trái Đất.
Các chuyên gia nói rằng mục đích chính của sứ mệnh nhằm chứng tỏ rằng Ấn Độ có thể chia sẻ thị phần lớn hơn trong thị trường không gian toàn cầu có giá trị 300 tỷ USD.
Chi phí mà Ấn Độ bỏ ra chỉ bằng một phần nhỏ của chi phí cho tàu vũ trụ MAVEN của NASA, cũng đã đi vào quỹ đạo hành tinh thứ tư trong hệ Mặt Trời từ hôm Chủ nhật.
Ấn Độ đã phóng khoảng 40 vệ tinh cho các nước khác kể từ khi khởi động chương trình không gian cách đây năm thập kỷ, nhưng vẫn chưa sánh được với Trung Quốc.
Tuy vậy, chương trình này cũng vấp phải một số chỉ trích rằng Ấn Độ nên nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng ở một đất nước thiếu nhà vệ sinh trầm trọng hơn là tham gia vào cuộc đua không gian tốn kém./.