Tàu vũ trụ Starliner có người lái của Boeing "cập bến" Trạm Vũ trụ Quốc tế

Tàu vũ trụ Starliner kết nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào lúc 13h34 theo giờ miền Đông nước Mỹ (0h34 ngày 7/6 theo giờ Việt Nam).

Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner rời bệ phóng tại trạm vũ trụ ở Mũi Canaveral, bang Florida (Mỹ) ngày 5/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner rời bệ phóng tại trạm vũ trụ ở Mũi Canaveral, bang Florida (Mỹ) ngày 5/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu vũ trụ Starliner có người lái đã "cập bến" Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngày 6/6 (theo giờ Mỹ), sau khi vượt qua một số thách thức ảnh hưởng đến hệ thống động cơ đẩy của tàu.

Hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams đã theo dõi khi tàu vũ trụ tự thực hiện các thao tác cuối cùng, kết nối với ISS vào 13h34 theo giờ miền Đông nước Mỹ (0h34 ngày 7/6 theo giờ Việt Nam).

Hoạt động kết nối với ISS ban đầu được lên kế hoạch diễn ra sớm hơn khoảng 1 giờ, nhưng đã bị trì hoãn do các phi hành gia phải khắc phục sự cố ở một số động cơ đẩy điều khiển hệ thống kiểm soát phản ứng (RCS) nhằm đảm bảo Starliner có thể thực hiện các thao tác chính xác.

Trước đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết tàu Starliner đã phát sinh thêm hai vết rò rỉ khí helium kể từ khi đi vào quỹ đạo, ngoài vết rò rỉ đã được biết trước khi tàu "cất cánh" nhưng các chuyên gia quyết định không sửa chữa vì tỷ lệ rò rỉ nằm trong giới hạn có thể kiểm soát được.

Helium là loại khí không độc hại và không cháy, được dùng để tạo áp suất cho hệ thống động cơ đẩy của Starliner. Vẫn chưa rõ liệu hiện tượng rò rỉ khí helium và các vấn đề về động cơ đẩy có liên quan với nhau hay không.

Chuyến hành trình đầu tiên của phi hành đoàn CST-200 Starliner tới ISS được xem là dấu mốc quan trọng đối với tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ, trong bối cảnh hãng này đang nỗ lực giành thị phần lớn hơn trong hoạt động kinh doanh giàu lợi nhuận này của NASA.

NASA đã sử dụng tàu Dragon của tập đoàn công nghệ SpaceX để đưa các phi hành đoàn lên ISS kể từ năm 2020, chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài gần một thập kỷ vào tên lửa của Nga sau khi chương trình Tàu con thoi kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục