Truyền hình Tagesschau của Đức mới đây đã bình luận về hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Tây Balkan, nội dung chính như sau:
Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan lần này tại Slovenia bàn thảo về triển vọng của các quốc gia Tây Balkan trong việc gia nhập EU.
EU không thể thất hứa mãi vì các đối thủ mạnh của khối này từ lâu vẫn đang tích cực hoạt động trong khu vực.
Trong chuyến công du Tây Balkan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã khánh thành một cây cầu mới ở Bosnia-Herzegovina do EU tài trợ.
Điều đó làm bà hài lòng. Bà chia sẻ: "Xây dựng cầu nối giữa mọi người, giữa các quốc gia, các nền văn hóa với nhau là điều rất quan trọng đối với tương lai chung của chúng ta."
Bà cũng khẳng định: "Bosnia-Herzegovina và tất cả các quốc gia Tây Balkan khác thuộc về EU. Đó không chỉ là lợi ích chung của chúng ta, mà đó còn là số phận của chúng ta."
Nữ Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng thanh niên ở Tây Balkan có một giấc mơ châu Âu và xứng đáng có một tương lai xanh, kỹ thuật số và tốt đẹp hơn. Quá trình các quốc gia Tây Balkan gia nhập EU đang được thảo luận "chi tiết," EU đang thực hiện từng bước quy trình gia nhập đối với các ứng cử viên "với tư cách là bạn, là đối tác."
[EU chưa thống nhất về thời hạn kết nạp thành viên mới vùng Balkan]
Bà von der Leyen muốn truyền đi sự tự tin. Tuy nhiên, bước tiến thực sự trong nhiều năm qua vẫn còn quá nhỏ bé, các tiêu chí để gia nhập EU vẫn quá chặt chẽ. EU yêu cầu thể chế nhà nước pháp quyền, dân chủ, quyền tự do báo chí, một cuộc chiến kiên quyết chống lại tệ nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức...
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu David McAllister nhấn mạnh: "Tất cả 6 quốc gia ở Tây Balkan về cơ bản đều có quan điểm theo kiểu châu Âu. Họ đang hướng tới tư cách thành viên EU với tốc độ rất khác nhau."
Nhưng một lần nữa, ông cũng nhắc lại rằng quá trình gia nhập của mỗi quốc gia phải được xem xét riêng lẻ; tiến độ phụ thuộc vào các biện pháp cụ thể mà các chính phủ và quốc hội của các quốc gia này thực hiện.
Tuy nhiên, ngay cả khi những nước mong muốn gia nhập EU hoàn thành nghĩa vụ của họ, thậm chí kể cả việc chấp nhận thay đổi tên nước của mình như trường hợp Bắc Macedonia, họ vẫn chưa thể nhận được những cái "gật đầu" đồng ý từ EU.
Năm 2018, Ủy ban châu Âu chứng nhận Albania và Bắc Macedonia đã tiến hành những cải cách đạt kết quả tốt. Nhưng Pháp và một số nước EU khác đã ngăn chặn quá trình đàm phán gia nhập EU đối với 2 quốc gia này.
Bulgaria đang yêu cầu Bắc Macedonia phải công nhận nguồn gốc Bulgaria trong ngôn ngữ và văn hóa của mình. Albania nhận thấy mình như là một "con tin" trong cuộc tranh chấp này. Hai thập kỷ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam Tư (cũ), vấn đề Balkan tiếp tục khiến EU lo lắng.
Đối với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu McAllister, không có cách nào khác có thể thay thế cho việc các quốc gia Tây Balkan gia nhập EU.
Ông khẳng định: "Nhìn vào bản đồ có thể thấy các quốc gia Tây Balkan hoàn toàn được bao bọc bởi các nước EU. Và lịch sử cho chúng tôi hiểu rõ một điều rằng sự ổn định ở Balkan là tốt cho cả châu Âu. Sự bất ổn ở Balkan sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến tất cả chúng ta."
Căng thẳng gần đây giữa Serbia và Kosovo cho thấy tình hình có thể leo thang nhanh chóng đến mức nào. Đằng sau những tranh cãi về việc công nhận biển số xe của nhau giữa Serbia và Kosovo là vấn đề cơ bản chưa được giải quyết, và điều này cũng đang cản trở tiến trình gia nhập EU.
Đối với Belgrade, biển số xe Kosovo là sự thể hiện nền độc lập của Kosovo - điều mà Serbia vẫn bác bỏ. Địa vị của Kosovo cũng gây tranh cãi trong EU: Đức và 21 quốc gia thành viên khác công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập; nhưng Tây Ban Nha, Cyprus, Hy Lạp, Romania và Slovakia thì không, vì họ lo sợ phong trào đòi độc lập tương tự sẽ diễn ra ở đất nước họ.
Chuyên gia Dušan Reljić, làm việc tại Quỹ khoa học và chính trị ở Brussels, cho rằng quá trình các quốc gia Tây Balkan gia nhập EU đã trở thành một thảm kịch.
Quá trình này diễn ra quá lâu, khiến uy tín của cả EU và của các chính phủ trong khu vực này bị tổn hại nghiêm trọng. Chuyên gia Dušan Reljić cũng coi kế hoạch kinh tế và đầu tư mới của EU tại Tây Balkan là không mấy tin cậy. Khoản viện trợ 9 tỷ euro được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư trong khu vực.
Tuy nhiên, so với hàng tỷ euro mà các nước EU nhận được từ quỹ tái thiết hậu đại dịch COVID-19 trong những năm tới, khoản tiền này thực sự quá nhỏ bé. Nếu các nước Tây Balkan cảm thấy bị EU bỏ rơi, điều đó sẽ gây nên hậu quả. Chủ nghĩa dân tộc trong khu vực sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn, minh chứng rõ nhất chính là Serbia và Kosovo.
Những người trẻ sẽ rời bỏ khu vực này nhiều hơn; các cường quốc như Trung Quốc và Nga đang tích cực lấp đầy khoảng trống kinh tế và chính trị trong khu vực. Hai nhà xuất khẩu thép và đồng lớn nhất ở Serbia giờ đây đã thuộc sở hữu của Trung Quốc. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người anh em" của mình và Serbia mua vaccine COVID-19 chủ yếu từ Trung Quốc và Nga.
Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, hầu hết người Serbia coi các đồng minh thân thiết nhất của họ không phải ở EU, mà là Nga và Trung Quốc.
Chính vì vậy, chuyên gia Reljić cho rằng EU cần thực sự nỗ lực để giúp khu vực này. Theo ông, một từ "không" của châu Âu dành cho Tây Balkan sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. Về mặt chính trị, điều đó sẽ tương tự như việc phương Tây rút khỏi Afghanistan.
Từ khi chiến tranh Nam Tư bùng nổ năm 1991, khu vực này luôn được coi là bằng chứng cho thấy khả năng hành động như một tác nhân thống nhất của EU; và mục tiêu cuối cùng của Brussels là kết nạp các quốc gia này vào khối.
Chuyên gia Reljić cho rằng đây luôn là mục tiêu mà EU tự đặt ra. Khi chưa hoàn thành mục tiêu này, chính EU sẽ phải cảm thấy tự xấu hổ.
Theo chuyên gia Reljić, việc các quốc gia EU lần đầu tiên thể hiện bằng văn bản cam kết mở rộng khối tại hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan vẫn chưa phải điều gì lớn vì các nước thành viên EU hoàn toàn có thể tiếp tục chặn việc kết nạp thành viên mới. Các quốc gia Tây Balkan vẫn chưa nhận được bất kỳ đảm bảo rõ ràng nào về cơ hội gia nhập EU./.