Tây Ban Nha cho phép tàu nhân đạo cùng người di cư cập cảng

Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã chỉ thị lực lượng chức năng tại cảng Algeciras sẵn sàng tiếp nhận tàu Open Arms đang neo đậu ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền Nam Italy.
Tàu nhân đạo Open Arms (trái) chở người di cư được giải cứu ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền Nam Italy ngày 15/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu nhân đạo Open Arms (trái) chở người di cư được giải cứu ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền Nam Italy ngày 15/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/8, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố tàu nhân đạo Open Arms cùng với hơn 100 người di cư được giải cứu có thể cập cảng nước này.

Trong một thông báo, Văn phòng thủ tướng Tây Ban Nha cho biết quyền Thủ tướng Pedro Sanchez đã chỉ thị lực lượng chức năng tại cảng Algeciras sẵn sàng tiếp nhận tàu Open Arms đang neo đậu ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền Nam Italy.

Thông báo nêu lý do cho động thái này là do "tình hình khẩn cấp," đồng thời chỉ trích quyết định của nhà chức trách Italy khi đóng cửa tất cả các cảng biển đối với người di cư là "không thể chấp nhận được."

[6 quốc gia EU đồng ý tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Open Arms]

Đầu tuần này, các nước gồm Pháp, Đức, Romania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Luxembourg đã đồng ý tiếp nhận khoảng 150 người di cư trên tàu Open Arms.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết quá trình tiếp nhận người di cư theo thỏa thuận sẽ bắt đầu diễn ra khi tàu Open Arms cập cảng Algeciras.

Trước đó, tàu Open Arms đã giải cứu những người di cư, trong đó chủ yếu là người châu Phi, ở ngoài khơi bờ biển Libya.

Hiện con tàu nhân đạo này đang chờ để cập cảng trên đảo Lampedusa sau khoảng 2 tuần mắc kẹt trên Địa Trung Hải.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã chỉ thị giới chức nước này không cho phép tàu chở những người di cư này được cập bến.

Tuy nhiên, ngày 17/8, ông Salvini đã có động thái nhượng bộ một phần và cho phép 27 trẻ trên tàu được lên bờ, với lý do Thủ tướng Italy Giuseppe Conte liên tiếp yêu cầu điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.