Tây Ban Nha kêu gọi đối thoại về Catalonia trong khuôn khổ Hiến Pháp

Quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell thừa nhận phong trào đòi ly khai đã gây chia rẽ trong người dân ở Catalonia và đây vẫn là một vấn đề chính trị cần phải được giải quyết.
Đụng độ giữa cảnh sát Tây Ban Nha và người biểu tình đòi ly khai. (Nguồn: RTE)

Ngày 15/10, quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell đã kêu gọi đối thoại trong khuôn khổ Hiến pháp, nhấn mạnh thách thức đặt ra đối với Tây Ban Nha do phong trào đòi độc lập cho vùng Catalonia không thể kết thúc với việc kết án 9 cựu quan chức vùng này liên quan tới phong trào đòi ly khai hồi năm 2017.

Trước đó một ngày, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã kết án 9 cựu quan chức vùng Catalonia mỗi người từ 9-13 năm tù giam vì tội nổi loạn liên quan nỗ lực đòi ly khai bất thành cho vùng này hồi năm 2017. Ngoài ra, còn có 3 nhân vật khác mặc dù thoát án tù giam nhưng phải nộp phạt. Tất cả 12 đối tượng này đã bị đưa ra xét xử hồi tháng Hai vừa qua.

Trao đổi báo giới, ông Borrell thừa nhận phong trào đòi ly khai đã gây chia rẽ trong người dân ở Catalonia và đây vẫn là một vấn đề chính trị cần phải được giải quyết. Ông nhấn mạnh phong trào đòi độc lập này đã phớt lờ những người dân Catalonia phản đối việc ly khai khỏi Tây Ban Nha. 

Theo một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng Bảy, 48% người dân ở Catalonia được hỏi phản đối việc ly khai, trong khi 44% ủng hộ. 

[Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia với tội danh mới]

Cùng ngày, Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra khẳng định chính quyền vùng này sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự quyết của người dân Catalonia.

Phát biểu họp báo, ông Torra nhấn mạnh trưng cầu ý dân là một giải pháp tích cực nhất để giải quyết tình hình hiện nay ở Catalonia. 

Bản án đối với 9 cựu quan chức vùng Catalonia đã dẫn tới những cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ ly khai với lực lượng cảnh sát.

Trong ngày 14/10 đã có 45 chuyến bay xuất phát từ Sân bay El Prat ở Barcelona bị hủy do tình hình căng thẳng. 

Hồi tháng 10/2017, cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền vùng đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án.

Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha.

Những động thái này đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục