Tây Ban Nha nêu điều kiện ủng hộ dự thảo "ly hôn" EU-Anh

Tây Ban Nha đe dọa bác thỏa thuận Brexit nếu văn kiện này không đảm bảo quyền phủ quyết của nước này đối với Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh mà Madrid muốn đòi lại.
Tây Ban Nha nêu điều kiện ủng hộ dự thảo "ly hôn" EU-Anh ảnh 1Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thể hiện quyết tâm theo đuổi vấn đề quy chế tương lai của vùng lãnh thổ Gibraltar đến cùng, khi một lần nữa đe dọa bác bỏ thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - nếu văn kiện này không đảm bảo quyền phủ quyết của Madrid đối với vùng lãnh thổ này.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.

Tây Ban Nha nhiều lần yêu cầu Anh trả lại vùng đất mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Vùng đất này rộng khoảng 6,8km2 và có khoảng 30.000 dân sinh sống.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa tại thành phố Valladolid ngày 21/11, Thủ tướng Sanchez khẳng định nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh châu Âu về Brexit dự kiến ngày 25/11 tới, Madrid sẽ sử dụng quyền phủ quyết và nói "không" với dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU.

Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha nhấn mạnh "những gì Madrid làm là để bảo vệ những lợi ích quốc gia và nước này sẽ quyết tâm đến cùng."

Tây Ban Nha muốn bảo lưu quyền thương lượng với Anh về tương lai của Gibraltar trên cơ sở song phương, đồng nghĩa với nước này có quyền phủ quyết.

Trước đó, trước thời điểm EU và Anh bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit hồi tháng 7/2017, Brussel đã đảm bảo rằng sẽ không có thỏa thuận nào giữa liên minh với London về quy chế đối với Gibraltar mà không có sự chấp thuận của Tây Ban Nha.

[Tòa án Tối cao Anh bác bỏ nỗ lực liên quan Brexit của chính phủ]

Trước đó, Thủ tướng Sanchez từng đưa cảnh báo sẽ phủ quyết thỏa thuận này nếu EU không điều chỉnh nội dung liên quan đến Gibraltar trong thỏa thuận Brexit. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell cũng đã cảnh báo Madrid sẽ không thể đồng ý với dự thảo thỏa thuận Brexit nếu văn kiện này không đề cập đến cách thức giải quyết vấn đề Gibraltar.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo bà sẽ trở lại Brussels để tham gia cuộc thương lượng bổ sung trong ngày 24/11, tức một ngày trước khi diễn ra cuộc họp mang tính quyết định về dự thảo thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU.

Bà đưa ra tuyên bố trên sau chuyến đi chớp nhoáng đến Brussels ngày 21/11, làm việc với Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker.

Sau cuộc gặp này, bà cho biết hai bên đã thảo luận về một số vấn đề còn tồn đọng và có định hướng cho các đại diện đàm phán của hai bên để giải quyết những vấn đề này. Bà khẳng định "nhiều tiến bộ đã đạt được." 

Ngày 14/11 vừa qua, EU và Chính phủ Anh đã cùng công bố văn bản dự thảo thỏa thuận về vấn đề Brexit. Dự thảo gồm 585 trang cùng một tuyên bố chính trị ngắn hơn về các kỳ vọng cho một mối quan hệ tương lai đã được hai bên công bố sau khi Thủ tướng Anh nhất trí thông qua.

Hai bên dự kiến một "lưới an ninh" sẽ được thiết lập nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland.

Cũng theo nội dung dự thảo, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 4 tháng nữa là tới hạn chót 29/3/2019 để Anh rời khỏi EU, cả London và Brussels đều mong muốn đạt được thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn" cũng như vạch ra hướng đi cho mối quan hệ song phương trong giai đoạn hậu Brexit.

Cả Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu cần phải thông qua một thỏa thuận Brexit trước thời hạn chót trên, hoặc Anh có thể rời "mái nhà chung" mà không có một thỏa thuận rõ ràng nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.