Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ quốc tế nhiều cựu quan chức Catalonia

Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã ban bố lệnh bắt giữ quốc tế đối với 6 cá nhân ủng hộ ly khai tại vùng Catalonia hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, trong đó có cựu Thủ hiến Carles Puigdemont.
Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ quốc tế nhiều cựu quan chức Catalonia ảnh 1Cựu Thủ hiến Catalonia, ông Carles Puigdemont. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/3, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã ban bố lệnh bắt giữ quốc tế đối với 6 cá nhân ủng hộ ly khai tại vùng Catalonia hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, trong đó có cựu Thủ hiến Carles Puigdemont.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Pablo Llarena đã ra lệnh bắt giữ quốc tế và trên toàn châu Âu đối với cựu Thủ hiến Puigdemont và 4 thành viên trong bộ máy chính quyền Catalonia đã bị bãi nhiệm hiện sống lưu vong ở Bỉ. Cũng thuộc diện bị bắt giữ là phó chủ tịch đảng cánh tả ủng hộ độc lập ERC Marta Rovira, người đã phớt lờ lệnh triệu tập của tòa án và hiện đang lưu vong ở Thụy Sĩ, quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU).

[Tây Ban Nha sẽ xét xử 13 thủ lĩnh ly khai Catalonia vì tội nổi loạn]

Trước đó, hồi tháng 12/2017, Thẩm phán Llarena đã rút lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu đối với ông Puigdemont và 4 cựu quan chức trên do cho rằng việc duy trì lệnh bắt giữ sẽ khiến quá trình điều tra nhằm vào các quan chức chính quyền cũ tại Catalonia thêm phức tạp.

Cũng trong phán quyết ngày 23/3, Thẩm phán Llarena quyết định sẽ đưa ra xét xử 13 cá nhân ủng hộ ly khai tại Catalonia với tội danh nổi loạn, chống chính quyền và mức án có thể lên tới 30 năm tù giam. Trong số đó có cựu Thủ hiến Puigdemont và người được chỉ định kế nhiệm ông này Jordi Sanchez. Như vậy, tổng cộng có 25 chính trị gia của vùng này sẽ bị xét xử với các tội danh nổi loạn, chống chính quyền, tham ô hoặc bất tuân lệnh.

Cùng ngày, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha cũng thông báo đã bắt giữ 5 cá nhân ủng hộ ly khai tại Catalonia, trong đó có ứng cử viên duy nhất tranh cử Thủ hiến vùng này Jordi Turull và cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng, bà Carme Forcadell. Quyết định bắt giữ được đưa ra do lo ngại nguy cơ các cá nhân này ra nước ngoài lưu vong để né tránh các tội danh.

Hồi tháng 10/2017, các cựu lãnh đạo Catalonia đã đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của Madrid, buộc chính quyền trung ương phải đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12/2017.

Tuy nhiên, cho tới nay Hội đồng lập pháp vùng vẫn chưa thể bầu ra thủ hiến mới sau khi ứng cử viên Jordi Turull chỉ giành được 64 phiếu ủng hộ trong khi có 65 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 22/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.