Tây Ban Nha và Hà Lan điều quân tới sườn phía Đông của NATO

Tây Ban Nha sẽ điều 4 máy bay chiến đấu và 130 binh sỹ tới Bulgaria để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không, còn Hà Lan sẽ tăng quân số của mình trong nhóm tác chiến của NATO ở Litva.
Tây Ban Nha và Hà Lan điều quân tới sườn phía Đông của NATO ảnh 1Máy bay tiêm kích Eurofighter. (Ảnh minh họa. Nguồn: Airbus)

Ngày 9/2, Bộ Quốc phòng Bulgaria thông báo, trong tuần này Tây Ban Nha sẽ điều 4 máy bay chiến đấu và 130 binh sỹ tới Bulgaria để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Thông báo nêu rõ, dự kiến lô máy bay Eurofighter đầu tiên của Tây Ban Nha sẽ đến Bulgaria vào cuối tuần để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận cùng với Không quân Bulgaria cho đến cuối tháng 3.

Thông báo có đoạn: "Sứ mệnh này sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh cho các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở sườn phía Đông."

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố nước này sẽ tăng quân số của mình trong nhóm tác chiến của NATO ở Litva từ 270 người lên thành 350 người.

Lực lượng Hà Lan tại Litva là một phần của nhóm tác chiến quốc tế NATO do Đức dẫn đầu, được triển khai vào năm 2017 sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.

[NATO cân nhắc hiện diện quân sự lâu dài tại khu vực Đông Âu]

Phát biểu tại căn cứ quân sự Rukla ở Litva, bà Ollongren nêu rõ: "Chúng tôi tham gia nhóm tăng cường hiện diện phía trước và sẽ tăng quy mô đóng góp lực lượng của chúng tôi từ 270 lên thành 350 quân nhân."

Kể từ năm 2019, Mỹ cũng đã triển khai luân phiên các nhóm tác chiến khoảng 500 binh sỹ và khí tài tại Litva.

Dự kiến, Hà Lan cũng sẽ triển khai 2 máy bay F-35 đến Bulgaria vào tháng 4 và tháng 5 để tham gia các hoạt động tuần tra trên không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.