Tây Ban Nha xử cựu Tổng Giám đốc IMF với cáo buộc tham nhũng

Tây Ban Nha đã mở phiên tòa xét xử cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato với cáo buộc lạm dụng công quỹ khi ông còn là lãnh đạo của 2 ngân hàng hàng đầu Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha xử cựu Tổng Giám đốc IMF với cáo buộc tham nhũng ảnh 1Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato. (Nguồn: foroparalelo.com)

Ngày 26/9, Tây Ban Nha đã mở phiên tòa xét xử cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato với cáo buộc lạm dụng công quỹ khi ông còn là lãnh đạo của 2 ngân hàng hàng đầu Tây Ban Nha.

Cựu Tổng Giám đốc IMF bị xét xử cùng 65 người khác là các cựu giám đốc và cựu thành viên hội đồng quản trị của hai ngân hàng Caja Madrid và Bankia của Tây Ban Nha. Do một người đã qua đời nên còn 64 bị cáo khác bị đưa ra xét xử.

Nhiều người dân đã tụ tập bên ngoài trụ sở tòa án, nơi xét xử ông Rato - cựu Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha giai đoạn 1996-2004, để chỉ trích hành động lạm dụng quỹ công của ông.

Ông Rato và những người kể trên bị cáo buộc đã sử dụng thẻ tín dụng ở 2 ngân hàng Caja Madrid và Bankia để chi trả những chi phí cá nhân mà không công khai hay thông báo với cơ quan thuế.

Theo điều tra, họ đã tiêu 12 triệu euro (13,5 triệu USD) trong khoảng thời gian từ năm 2003-2012, đôi khi còn "vung tiền" vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha đang ở mức đỉnh điểm nhất.

Theo bản cáo trạng, ông Rato đã duy trì "hệ thống tham nhũng" được thành lập bởi người tiền nhiệm Miguel Blesa khi ông nắm quyền điều hành ngân hàng Caja Madrid vào năm 2010.

Ông Rato cũng thành lập một hệ thống tương tự khi ông lãnh đạo ngân hàng Bankia vào năm 2011.

Nếu bị kết án, ông Rato sẽ bị tù 4 năm rưỡi và khoản tiền phạt 2,6 triệu euro.

Tuy nhiên, cựu Tổng Giám đốc IMF trước đó đã bác mọi cáo buộc nhằm vào ông.

Ông Rato từng giữ chức Tổng giám đốc IMF từ năm 2004 đến 2007./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.