Tây Nguyên: Hàng trăm triệu tấn đất bị rửa trôi mỗi năm

Mỗi năm, Tây Nguyên bị mất hàng trăm triệu tấn đất giàu dinh dưỡng do bị rửa trôi, đây là nguyên nhân làm cho đất canh tác bị bạc màu và xói mòn nhanh chóng.
Tây Nguyên: Hàng trăm triệu tấn đất bị rửa trôi mỗi năm ảnh 1Thủy điện cũng gián tiếp gây nên tình trạng phá rừng bừa bãi tại Tây Nguyên. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tây Nguyên với năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắt Nông và Lâm Đồng, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và giao thông rất quan trọng. Trong những năm gần đây, Tây Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc với GDP tăng bình quân 11,9%/năm, trong đó xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

Tuy vậy, việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, thiếu hợp lý đã và đang làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên ở đây, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư-tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá và thạc sỹ Đỗ Thị Thao, Khoa Môi trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 5,4 triệu ha, là vùng có diện tích đất đang sử dụng chiếm tỷ lệ 81,5%, đứng thứ tư trong bảy vùng của Việt Nam. Địa hình đất của vùng là một phức hợp núi, cao nguyên, trũng giữa và đồng bằng.

Tài nguyên đất của Tây Nguyên rất đa dạng, có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan với hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân, kali... cao, cho phép phát triển nhiều loại cây trồng như càphê, hồ tiêu, caosu, chè, dâu tằm và cây ăn quả.

Khi thảm thực vật - tấm áo bảo vệ mặt đất - bị lột đi nhanh chóng thì tốc độ xói mòn, rửa trôi đất cũng diễn ra theo tỷ lệ thuận.

Báo cáo chuyên đề về sử dụng đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra rằng ở độ dốc từ 5-8 độ, với lượng mưa hàng năm 1.905mm, trên 1ha nương rẫy sẽ bị bị rửa trôi 95,1 tấn đất, trên đất trồng ngô bị rửa trôi 105,7 tấn, trên đất trồng càphê được hai tuổi bị trôi 69,2 tấn. Trong khi đó, với 1ha đất rừng nguyên sinh, lượng đất bị rửa trôi chỉ dưới 6 tấn, còn đất rừng tái sinh là 12 tấn.

Tổng kết nhiều điểm quan trắc trên các độ dốc và vùng đất khác nhau cũng cho thấy, lượng chất dinh dưỡng trung bình hàng năm trên 1ha đất sản xuất bị cuốn trôi cũng rất lớn: 171kg N; 19kg P2O5; 337,5kg K2O; 1.125kg chất hữu cơ.

Tính ra mỗi năm, lượng đất của Tây Nguyên bị trôi xuống sông Mekong và sau đó bị đẩy ra Biển Đông tới hàng trăm triệu tấn, kèm theo đó là hàng vạn tấn N, P2O5, K2O... Đây chính là nguyên nhân làm cho đất canh tác bị bạc màu và xói mòn nhanh chóng.

Xói mòn đất có thể làm thay đổi tính chất vật lý-hóa học của nguồn nước và tài nguyên đất ở đây. Mất rừng khiến lượng nước ngầm bị suy kiệt dẫn tới hậu quả là một số vùng ở Tây Nguyên đã có biểu hiện của sự sa mạc hóa, hạn hán quanh năm.

Đơn cử như ở tỉnh Đắk Nông, khối lượng đất bị xói mòn và rửa trôi hàng năm luôn cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác trên cả nước, dao động khoảng từ 10-15 tấn/ha/năm. Do đó, hàng năm Đắk Nông phải gánh chịu một chi phí tương đối lớn cho việc bổ sung hàm lượng chất dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, tỉnh còn phải đối mặt với các vấn đề về đốt phá rừng để làm đất canh tác của người dân.

Về tài nguyên nước, địa hình Tây Nguyên bị chia cắt mạnh do bốn hệ thống sông suối, tạo nên những đứt gãy, bậc thềm, thác nước với trữ lượng ước tính 15 tỷ KW giờ điện/năm, chiếm 22% lượng điện của cả nước.

Cho đến nay 8 bậc thềm đã khai thác gần hết, bao gồm 25 công trình thủy điện lớn đã và đang được thi công, một số công trình đi vào vận hành, đã chiếm dụng hơn 68.000ha đất, ảnh hưởng đến hơn 25.700 hộ dân.

Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện trên vùng Tây Nguyên chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa phù hợp với lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của người dân địa phương.

Đó là chưa kể đến việc khai thác khoáng sản tràn lan, nhất là khai thác và chế biến quặng bôxit tiêu tốn một lượng khổng lồ điện và nước, đồng thời phát thải một lượng khí thải nhà kính, bùn đỏ, có thể hủy hoại môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, thủy điện cũng gián tiếp gây nên tình trạng phá rừng bừa bãi. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các chủ đầu tư các dự án thủy điện ở Tây Nguyên mới trồng được trên 757ha rừng, trên tổng diện tích rừng phải trồng thay thế là 22.700ha.

Hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ ở đây đều có công suất rất thấp. Cụ thể theo quy hoạch ban đầu, toàn vùng có 422 dự án thủy điện vừa và nhỏ, nhưng tổng công suất chỉ chiếm 29,1%, còn lại 63 thủy điện lớn chiếm 71,9%.

Vì vậy đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc việc quy hoạch, thiết kế, thi công mạng lưới thủy điện ở Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục