Tây Nguyên: Lập quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối chặt chẽ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhấn mạnh trong quá trình lập quy hoạch, phải đảm bảo tính kết nối chặt chẽ, quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia mang lại hiệu quả cao nhất.
Các em nhỏ trong bộ trang phục thổ cẩm chơi cồng chiêng tại Lễ cúng Nước giọt để tạ ơn những điều tốt đẹp mà Yàng Ia (Thần nước) đã mang đến cho dân làng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước.

Trước thực trạng phát triển và yêu cầu phát triển mới, những vấn đề đặt ra đối với vùng Tây Nguyên là phải làm thế nào để phát triển tương xứng với tiềm năng.

“Do đó, trong quá trình lập quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối chặt chẽ, quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia mang lại hiệu quả cao nhất,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh trong yêu cầu lập quy hoạch khu vực này.

Những rào cản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; đồng thời, đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian tại vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương trong vùng để sớm ban hành trong tháng 12 này.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.508km2, chiếm 16,5% diện tích cả nước và tổng dân số 5,871 triệu người, chiếm 6,2% dân số cả nước. Tây Nguyên là địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng với tổng chiều dài đường biên giới giáp Lào và Campuchia dài 554km.

Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng song đây vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn, phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp quy mô nhỏ; có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Không những thế, sản xuất công nghiệp, dịch vụ các tỉnh trong vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng; liên kết thị trường nội vùng và liên kết với các khu vực và quốc tế còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, rõ nét nhất là việc kết nối cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối.

[Vốn chính sách tạo đem đến sống mới trên miền đất Nam Tây Nguyên]

Trước yêu cầu phát triển mới, những vấn đề đặt ra đối với vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh trong vùng nói riêng là phải làm thế nào để phát triển vùng tương xứng với tiềm năng, khắc phục khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trong vùng. Cùng đó, phải đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết việc triển khai lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng còn chậm, thiếu thông tin gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.

Khó khăn vướng mắc chính của các tỉnh trong các bước lập quy hoạch theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do thiếu thông tin cấp vùng, cấp quốc gia. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch còn có nội dung chưa thống nhất, xung đột, gây khó khăn cho địa phương khi áp dụng trong quá trình lập quy hoạch.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đại diện tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc lập các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được triển khai đồng thời. Cách làm này giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng việc lập đồng thời này dễ xẩy ra tình trạng phải điều chỉnh các nội dung để phù hợp với các quy hoạch sau, nhất là giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch cấp quốc gia...

Cần sớm có khung định hướng quy hoạch

Đến nay, đã có 4/5 tỉnh gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh, dự kiến trình thẩm định quý 2/2022. Riêng tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt xong dự toán kinh phí lập quy hoạch tỉnh, đang thực hiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, dự kiến trình thẩm định quý 4/2022.

Với đặc trưng vùng Tây Nguyên, theo ông Đinh Trọng Thắng, lập quy hoạch tỉnh ưu tiên theo phương pháp tiếp cận tích hợp, tầm nhìn quy hoạch rõ ràng; phân bố không gian phát triển phù hợp với điều kiện tỉnh. Lập quy hoạch cần chương trình hành động cụ thể; tạo dựng được sự đồng thuận giữa các bên liên quan; xác định được các dự án/chương trình ưu tiên trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Tích hợp quy hoạch có thể hiểu là sự lồng ghép các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của quy hoạch nhằm tạo nên một bản quy hoạch hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khi lập riêng lẻ. Nhờ đó, quy hoạch đảm bảo được mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và toàn quốc gia,” ông Thắng giải thích.

(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho biết trong quá trình triển khai quy hoạch, tỉnh mong muốn sớm có khung định hướng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Đây sẽ là tư liệu, định hướng để xây dựng quy hoạch vùng Tây Nguyên cũng như quy hoạch tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới. Trong quá trình lập quy hoạch tích hợp, đề nghị đưa danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2021-2030 với các tiêu chí cụ thể.

Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng cho rằng cần sớm ban hành định hướng phát triển quy hoạch quốc gia để làm cơ sở triển khai; sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia để các tỉnh có điều kiện triển khai; có hướng dẫn cụ thể đối với một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đồng bộ…

Còn đại diện tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành các quy hoạch để làm căn cứ cho quy hoạch tỉnh; hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng mô hình kịch bản tăng trưởng; có giải pháp tháo gỡ trong việc phân bổ quy hoạch đất để phù hợp với đặc thù của các địa phương.

“Tỉnh cũng có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và cần có cơ chế; về giao thông, mong sớm có cao tốc để làm động lực phát triển của vùng và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ,” đại diện tỉnh Đắk Nông đề xuất.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiệp cũng chỉ ra việc kết nối liên kết vùng Tây Nguyên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng với các tỉnh trong vùng. Do vậy, trong quá trình lập quy hoạch vùng cần có các giải pháp để đẩy mạnh kết nối vùng.

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng. Các địa phương xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thực hiện đồng thời với lập quy hoạch tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đề nghị các địa phương xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Về điều chỉnh phân cấp, phân quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định đây là vấn đề khó liên quan đến các quy định của pháp luật; ghi nhận ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền.

“Mặc dù, việc phân cấp phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch sẽ tạo thuận lợi nhanh hơn khi cần thiết điều chỉnh, tuy nhiên, điều này dẫn đến điều chỉnh nhiều lần sẽ làm biến dạng quy hoạch ban đầu,” Thứ trưởng Phương lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục