Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu ủy thác qua Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam, ngày 18/6, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức Hội thảo tư vấn "Quản lý sức khỏe môi trường tại Việt Nam: Thách thức và lộ trình phát triển."
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ các báo cáo về công tác quản lý sức khỏe môi trường trên thế giới và thực trạng, thách thức về công tác quản lý sức khỏe môi trường tại Việt Nam, các yếu tố, nguy cơ về sức khỏe môi trường, tổng quan về các khung đánh giá, quản lý nguy cơ sức khỏe môi trường.
Các chuyên gia sức khỏe môi trường tham dự hội thảo đã trình bày các báo cáo tổng quan về khoa học và quản lý sức khỏe môi trường - con đường phía trước; quản lý sức khỏe môi trường và thực trạng, thách thức về công tác quản lý sức khỏe môi trường tại Việt Nam; các yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường nổi cộm tại Việt Nam và tổng quan về các khung đánh giá, quản lý nguy cơ sức khỏe môi trường; lộ trình phát triển quản lý sức khỏe môi trường ở Việt Nam.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, cho biết theo Điều 3 khoản 7 Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014, sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người.
Tại Việt Nam hiện đang tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường như thiếu nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường kém, các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm không khí ngoài trời cũng như trong nhà.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu những yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường mới của một quốc gia đang phát triển như ô nhiễm nguồn nước, đất do phát triển công nghiệp và nông nghiệp không được kiểm soát; các chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế đang gây ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng, từ đó gây ra các điểm nóng ô nhiễm, các làng ung thư; ô nhiễm không khí do công nghiệp và giao thông phát triển quá nhanh. Các bệnh hô hấp, dị ứng tăng nhanh ở đô thị; ô nhiễm tại các làng nghề đến mức báo động; nạn phá rừng và hủy hoại môi trường tự nhiên.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Huy Nga cho rằng Việt Nam cần có một lộ trình hành động quốc gia về sức khỏe môi trường với các mục tiêu nghiên cứu, dự báo, cảnh báo, dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người, đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý và thực thị pháp luật, có cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp liên ngành và hệ thống quản lý thống nhất.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần nâng cao nhận thức về sức khỏe môi trường, thiết lập hệ thống đào tạo chuyên về sức khỏe môi trường để có đủ nhân lực trong tương lai.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đưa ra một số đề xuất định hướng để góp phần xây dựng chương trình sức khỏe môi trường. Các ý kiến thảo luận và kết quả của Hội thảo tư vấn sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ Việt Nam xây dựng lộ trình công tác quản lý sức khỏe môi trường, trong đó có Chương trình Sức khỏe môi trường Quốc gia./.