Thái Lan bắt đầu trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp thứ 20

Từ 8 giờ sáng 7/8, tất cả các điểm bỏ phiếu ở Thái Lan đã mở cửa để đón hơn 50 triệu cử tri đến bày tỏ ý kiến về dự thảo hiến pháp thứ 20.
Thái Lan bắt đầu trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp thứ 20 ảnh 1Cử tri Thái Lan tại một điểm trưng cầu dân ý về Hiến pháp. (Ảnh: Phúc Sơn/Vietnam+)

Bắt đầu từ 8 giờ sáng 7/8, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Thái Lan đã mở cửa để đón hơn 50 triệu cử tri đến bày tỏ ý kiến của về dự thảo hiến pháp mới, văn kiện chế định hệ thống chính trị cũng như con đường phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia Đông Nam Á này trong tương lai.

Đây cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hiến pháp mới tại nước này và văn kiện được trưng cầu nếu được thông qua sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932.

Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp là vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Có hai vấn đề sẽ được nêu ra trưng cầu ý kiến của người dân Thái Lan. Câu hỏi thứ nhất là họ có đồng ý với dự thảo bản hiến pháp mới với nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị và hệ thống bầu cử hay không và câu hỏi thứ hai là liệu họ có chấp nhận một Thượng viện được chính quyền hiện tại chỉ định và có quyền cùng Hạ viện tham gia bầu chọn thủ tướng mới hay không.

Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) dự kiến các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 16 giờ và đến 21 giờ ngày 7/8 sẽ có kết quả kiểm 95% số phiếu trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó.

EC cũng dự kiến 80% tức khoảng 40,4 triệu trên tổng số 50,5 triệu cử tri nước này sẽ tham gia bỏ phiếu. Kết quả thăm dò của Viện Phát triển Hành chính quốc gia (NIDA) cũng cho thấy dù có đến hơn 80% số người dân Thái Lan được hỏi nói rằng họ sẽ tham gia bỏ phiếu và có hơn 40% chấp nhận dự thảo hiến pháp mới nhưng cũng có đến tương đương tỷ lệ này những người nói rằng họ chưa quyết định chấp nhận hay bác bỏ dự thảo của văn kiện trên.

Để đảm bảo an ninh cho cuộc bỏ phiếu, nhà chức trách Thái Lan đã triển khai hàng trăm nghìn nhân viên Bộ Nội vụ cùng binh lính và cảnh sát trên phạm vi toàn quốc. Ở cấp huyện và cấp tỉnh đều cũng đã được thành lập các trung tâm gìn giữ hòa bình do huyện trưởng và tỉnh trưởng đứng đầu.

Nhiều quy định như cấm chụp ảnh bên trong phòng bỏ phiếu, cấm có hành động, lời nói, biểu hiện kêu gọi vận động cử tri bỏ phiếu theo hướng này hay hay hướng khác đã được EC thông báo rộng rãi. Một lệnh cấm bán rượu bia, các loại thức uống có cồn đã được áp đặt từ 18 giờ ngày 6/8 đến 24 giờ ngày 7/8.

Giám sát quốc tế cho cuộc trưng cầu dân ý này là đại diện của Mạng lưới Châu Á vì Bầu cử tự do (ANFREL) và Quỹ Châu Á. Một số đại sứ quán tại Bangkok trong đó có Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết sẽ cử các nhóm quan sát viên đến các điểm bỏ phiếu.

Trước cuộc trưng cầu, những người phản đối cho rằng dự thảo hiến pháp mới sẽ dọn đường cho quân đội tiếp tục nắm quyền lực sau bầu cử dân sự trong khi những người ủng hộ thì cho rằng trong bối cảnh xã hội Thái Lan tiếp tục chia rẽ với mâu thuẫn chính trị gay gắt hiện nay, để quân đội tham gia chính trường sẽ giúp giữ ổn định đất nước.

Chính quyền hiện tại ở Thái Lan đã nói rằng họ đã có phương án dự phòng nếu dự thảo hiến pháp bị bác bỏ. Đó có thể là việc soạn ra một bản hiến pháp mới nữa hoặc sửa đổi lại và sử dụng các bản hiến pháp cũ mà không cần phải trưng cầu dân ý.

Hôm 5/8, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã một lần nữa khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017 bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.

Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) cầm quyền tại Thái Lan hôm 4/8 cũng đã bác bỏ cảnh báo của một loạt các đại sứ quán nước ngoài ở Bangkok về khả năng bùng phát căng thẳng chính trị trước, trong và sau cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới vào ngày 7/8 tới.

NCPO đồng thời tuyên bố chính quyền quân sự có đủ khả năng kiểm soát tình hình tại Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục