Thái Lan: Các cơ sở dịch vụ giải trí được hoạt động trở lại từ 1/7

Tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động bị đình chỉ để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 ở Thái Lan sẽ được phép nối lại từ ngày 1/7, kể cả những địa điểm giải trí và các cửa hiệu massage.
Thái Lan: Các cơ sở dịch vụ giải trí được hoạt động trở lại từ 1/7 ảnh 1Du khách tham quan Cung điện Hoàng Gia ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động bị đình chỉ để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ được phép nối lại từ ngày 1/7, kể cả những địa điểm giải trí và các cửa hiệu massage.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan Taweesilp Visanuyothin đã công bố quyết định nói trên ngày 24/6, theo đó các quy định đã được soạn thảo cho giai đoạn 5 nối lại kinh doanh và các hoạt động.

Người phát ngôn trên cho biết các lĩnh vực kinh doanh và hoạt động được nối lại lần này thuộc diện có nguy cơ cao lây lan bệnh truyền nhiễm.

Việc đóng của những dịch vụ đó có không gây ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế, nhưng một số nhóm người đã gặp vấn đề về tài chính do lệnh đóng cửa, trong đó có các nhạc sỹ và ca sỹ.

Trong giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp phong tỏa, các quán rượu và karaoke sẽ được mở lại, nhưng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm. Các nhóm khách sẽ được ấn định không quá 5 người và sẽ bị cấm gia nhập với những nhóm khác. Các hoạt động quảng cáo bán hàng sẽ bị cấm.

Ngoài ra, các trường học sẽ mở lại hoàn toàn, trong khi những hạn chế về giờ mở cửa của các trung tâm thương mại sẽ được dở bỏ.

Tại tất cả các địa điểm nói trên, Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, vệ sinh thường xuyên, lưu giữ hình ảnh camera an ninh trong 1 tháng để tạo điều kiện cho việc điều tra dịch bệnh, và sử dụng ứng dụng trên điện thoại có tên là Thaichana để khai báo ra vào.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, đến nay quốc gia Đông Nam Á này không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm nội địa nào trong vòng 30 ngày, những trường hợp mới đều là từ công dân hồi hương được cách ly. Tính đến ngày 24/6, Thái Lan có tổng cộng 3.157 ca COVID-19, trong đó có 58 bệnh nhân tử vong.

Hiện nay, ngoài Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vắcxin thuộc Đại học Chulalongkorn, còn ít nhất 3 cơ quan khác ở Thái Lan cũng đang thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vaccine, ông Kiat Ruxrungtham, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh rằng cơ quan này đang hợp tác với 2 nhà máy công nghệ sinh học nước ngoài, trong đó có TriLink ở Mỹ, để sản xuất vắcxin mRNA.

Các nhà máy đã ước tính giá một liều vắcxin là 30 USD với khối lượng sản xuất 2 triệu liều.

Theo ông Kiat, mỗi người sẽ cần ít nhất 2 lần tiêm vắcxin ngừa COVID-19 và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận vắcxin.

Nếu loại vắcxin này đạt yêu cầu thì hàng chục triệu liều có thể sẽ được sản xuất vào giữa năm 2022 hoặc cuối năm 2022. Điều đó phụ thuộc vào việc vaccine có vượt qua được thử nghiệm trên người vào cuối năm nay, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11, hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.