Ngày 15/5, ông Pavich Kesavawong, Phó Tổng giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu và môi trường thuộc Chính phủ Thái Lan cho biết nước này có thể phải xem xét việc di dời thủ đô Bangkok do nước biển dâng.
Theo ông Pavich, nhiều dự báo cho thấy thủ đô Bangkok nằm ở vùng trũng, có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trước cuối thế kỷ này.
Hầu hết các khu vực ở thành phố nhộn nhịp này cũng đã phải đối phó với lũ lụt trong mùa mưa bão.
Phó Tổng giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu và môi trường cảnh báo thủ đô Bangkok khó có thể thích ứng với xu hướng nóng lên hiện nay của thế giới.
Ông cho rằng nhiệt độ thế giới đã tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu cứ như hiện nay, thủ đô Bangkok có thể sẽ bị nước biển nhấn chìm. Do đó, hiện là thời điểm suy nghĩ về việc thích ứng.
Ông Pavich cho biết chính quyền thành phố Bangkok đang nghiên cứu các biện pháp, trong đó có xây dựng đê điều, như đã từng được áp dụng ở Hà Lan.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang tính đến phương án di dời toàn bộ thủ đô, song đây là vấn đề "rất phức tạp" và các cuộc thảo luận vẫn mang tính giả thuyết.
Dù việc di dời thủ đô còn khá lâu mới được thông qua, song đây không phải là điều chưa từng xảy ra ở khu vực Đông Nam Á.
Indonesia dự kiến khánh thành thủ đô mới Nusantara trong năm 2024, thay thế Jakarta đang bị ô nhiễm và nước biển đe dọa. Động thái này đã gây tranh cãi, với chi phí tốn kém, ước tính lên tới khoảng 32-35 tỷ USD.
Thái Lan đang chịu tác động của biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, khi nông dân phải chống chọi với nắng nóng và hạn hán, trong khi các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi tình trạng tẩy trắng san hô và ô nhiễm. Trong khi đó, các nỗ lực của chính phủ vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Thái Lan đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050./.
Thái Lan triển khai 30 máy bay tạo mưa để chống hạn hán và ô nhiễm
Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Prompow cho biết việc tạo mưa nhân tạo nhằm giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, cũng như ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở một số khu vực.