Thái Lan hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Các chương trình đào tạo dự kiến có chi phí khoảng 144 triệu baht (4,5 triệu USD) sẽ dạy nghề cho 40.000 người lao động Thái Lan bị mất việc làm vì dịch COVID-19.
Dường phố ở Bangkok, Thái Lan vắng vẻ do dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn lời Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak cho biết chương trình đào tạo cho người lao động sẽ là một phần trong loạt biện pháp kích thích kinh tế thứ ba của chính phủ nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế.

Theo Phó Chánh Văn phòng Bộ Đào tạo sau đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo Thái Lan Supachai Pathumnakul, cơ quan này đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho 40.000 người mất việc vì dịch COVID-19.

Ông Supachai cho biết các chương trình đào tạo dự kiến có chi phí khoảng 144 triệu baht (4,5 triệu USD) và sẽ được giải ngân từ ngân sách tài khóa 2020.

Hơn 80 trường đại học ở Thái Lan sẽ hỗ trợ cho các chương trình đào tạo, tập trung vào phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho hướng dẫn viên du lịch, quản lý du lịch, quản trị kinh doanh cho cá doanh nghiệp và phát triển các nghề kinh doanh liên quan đến trang trại.

Mỗi chương trình dự kiến kéo dài 10 ngày và học viên sẽ nhận được tiền tiêu vặt 200 baht mỗi ngày.

Cơ quan này cũng đang lên kế hoạch đào tạo để nâng cấp kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, tập trung vào 12 ngành công nghiệp S-curve ưu tiên, với số học viên dự kiến khoảng 50.000 người.

[Dịch COVID-19: Thái Lan cấm toàn bộ các chuyến bay chở khách]

Bộ Đào tạo sau đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo kỳ vọng các chương trình đào tạo sẽ được thực hiện trước tháng 5 hoặc muộn hơn một chút, sau khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.

Theo kế hoạch, gói kích thích kinh tế thứ ba dự kiến được hoàn thành và trình lên nội các phê duyệt trong tháng Tư này.

Đây là gói cứu trợ kinh tế nhằm cung cấp hỗ trợ toàn diện cho tất cả các thành phần xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (Escap), hàng triệu lao động ở khu vực Đông Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột dừng lại do các chính phủ tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, tại Philippines, Thư ký Nội các Karlo Nograles cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 7/4 đã thông qua quyết định gia hạn các biện pháp cách ly và hạn chế hoạt động đang được áp dụng đối với hơn 50% dân số nước này nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.

Dự kiến, các biện pháp phòng ngừa này sẽ hết hiệu lực vào tuần tới, song sẽ được gia hạn đến ngày 30/4 tới.

Nhà chức trách đã bắt đầu áp dụng các chính sách hạn chế di chuyển và tụ tập trong và xung quanh thủ đô Manila cách đây gần 1 tháng.

Philippines là một trong những nước sớm triển khai các biện pháp cách ly tại nhà nghiêm ngặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục