Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã hủy các lễ hội cả do nhà nước lẫn tư nhân tổ chức trong dịp Tết cổ truyền Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước) vào tháng 4 tới do lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, người phát ngôn Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết các lễ hội mừng Songkran dự kiến sẽ được tổ chức tại nhiều quận tại thủ đô từ 10-15/4 sẽ không diễn ra trong năm nay.
Ông Kwanmuang nêu rõ việc có rất đông người xung quanh trong một môi trường ẩm ướt làm gia tăng cơ hội tiếp xúc với virus gây bệnh COVID-19. Trong khi đó, một thành viên của nhóm phát ngôn của BMA là bà Jindarat Chayothin nói rằng BMA đã hoãn tổ chức các cuộc họp và hội thảo, đồng thời ngừng các chuyến ra nước ngoài của các quan chức thành phố.
[Dịch COVID-19 khiến lượng khách nước ngoài tới Thái Lan sụt giảm mạnh]
Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển.
Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc cho tới nay, Thái Lan đã xác nhận 53 ca nhiễm (1 trường hợp tử vong), trong đó có 3 ca mới được thông báo ngày 10/3 gồm một phụ nữ 41 tuổi tiếp xúc gần với một người đàn ông bị nhiễm trở về từ Italy và một cặp vợ chồng cũng trở về từ Italy.
Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang nỗ lực chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch bệnh bước vào giai đoạn 3, tức là lây lan rộng trong cộng đồng. Hơn 4.500 người đã được giám sát y tế, trong đó hơn 2.700 người đã bình phục và được xác định không nhiễm virus gây bệnh COVID-19.
Hôm 9/3, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DCD) thông báo tất cả hành khách tới Thái Lan từ Trung Quốc (bao gồm cả Đặc khu Hành chính Hong Kong và Macau), Hàn Quốc và Italy được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Trước đây, quy định cách ly tự nguyện, nhưng hiện nay tất cả các hành khách từ những vùng được tuyên bố là có dịch phải tự cách ly tại nhà hoặc nơi ở, nếu không thực hiện thì họ sẽ được đưa tới những địa điểm cách ly.
Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đang yêu cầu hành khách từ những nước và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 là Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy, Iran, Macau và Hong Kong phải trình giấy chứng nhận y tế trước khi lên máy bay tới Thái Lan.
Ngoài việc trình giấy chứng nhận y tế, hành khách cũng phải khai báo y tế theo mẫu. Những ai bị phát hiện trình giấy chứng nhận y tế giả cho các nhà chức trách y tế Thái Lan sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý và cách ly bắt buộc.
Thái Lan thông báo thưởng 10.000 baht (hơn 300 USD) cho người cung cấp thông tin về các trường hợp lao động bất hợp pháp Thái Lan trở về từ Hàn Quốc nhưng “trốn” kiểm tra y tế tại sân bay hoặc không tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Các biện pháp tương tự đối với hành khách tàu biển và thủy thủ đoàn từ những nước và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn trang mạng Times of India, cho biết Ấn Độ đã cho phép công dân Hàn Quốc và Italy cũng như các hành khách từng ở hoặc đến từ hai nước nhập cảnh trở lại kể từ ngày 10/3.
Quy định mới có hiệu lực từ 0h ngày 10/3 với điều kiện những người trên được cấp thị thực Ấn Độ sau ngày 5/3 và có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan y tế Hàn Quốc hoặc Italy cấp.
Trước đó hôm 3/3, Ấn Độ đã hủy tất cả thị thực đã được cấp cho công dân Hàn Quốc và Italy hoặc những người từng đến 2 quốc gia nói trên do lo ngại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Nhằm ngăn chặn lây nhiễm dịch COVID-19, ngày 9/3, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei công bố các biện pháp kiểm tra sức khỏe mới tại cửa khẩu của quốc gia Trung Mỹ này với Honduras.
Các biện pháp trên được đưa ra sau khi đoàn người di cư mới được cho là sẽ rời Honduras trong ngày 10/3 qua Guatemala để vào Mỹ.
Những người di cư này sẽ phải trải qua thủ tục tiến hành kiểm tra sức khỏe tại khu vực biên giới trước khi được phép vào nước này./.