Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok của Thái Lan gia tăng trở lại sau thời gian ngắn giảm xuống ngưỡng an toàn, bất chấp các nỗ lực và biện pháp đối phó ô nhiễm của chính quyền thành phố.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Cục Kiểm soát Ô nhiễm (PCD) cho biết từ sáng sớm 22/10 đã ghi nhận mức ô nhiễm không khí cao ở Bangkok, nhất là các khu vực ngoại ô.
7 trạm quan trắc không khí của PCD đặt rải rác ở Bangkok đo được nồng độ bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) ở mức 68 microgram/m3 tại nhiều quận của thủ đô, vượt mức được coi là an toàn 50 microgram/m3.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 trên mức an toàn cũng được ghi nhận ở một số huyện tại hai tỉnh Samut Prakan và Samut Sakhon lân cận.
Phát biểu với báo giới, Cục trưởng PCD Pralong Damrongthai cho biết trong vòng 24h cho đến 9h sáng 22/10, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại khu vực Bangkok mở rộng dao động từ 32-84 microgram/m3.
[Thái Lan áp dụng nhiều biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí]
Nguyên nhân của đợt ô nhiễm không khí lần này là do một hệ thống áp suất cao từ Trung Quốc làm cho không khí không lưu thông.
PCD dự báo tình trạng ô nhiễm không khí có thể sẽ kéo dài đến hết ngày 26/10 tới, do sự thay đổi thời tiết thường xảy ra thời điểm giao mùa.
Tình trạng ô nhiễm không khí sẽ được cải thiện từ ngày 27/10 khi luồng không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống khu vực miền Trung, trong đó có Bangkok, giúp đẩy phần không khí nóng có chứa bụi mịn PM2.5 đi.
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở vùng Bangkok mở rộng, Nội các Thái Lan mới đây đã thông qua 3 biện pháp do PCD đề xuất để đối phó với những vấn đề cấp bách và các cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả hơn; giải quyết ô nhiễm tận gốc; và thúc đẩy hiệu quả quản lý.
Biện pháp đầu tiên giải quyết tình trạng khói bụi trên cơ sở từng giai đoạn. Trong trường hợp bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng 50 microgram/m3 trong phạm vi 51-75 microgram/m3, các biện pháp kiểm soát chặt hơn sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp mức độ PM2.5 ở mức 76-100 microgram/m3, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ được áp dụng. Nếu ô nhiễm vượt quá ngưỡng 100 microgram/m3, PCD và Ủy ban Môi trường Quốc gia có thể trình các biện pháp khẩn cấp lên Thủ tướng để thực hiện nay lập tức.
Các biện pháp thứ hai và thứ ba sẽ được thực hiện trên cơ sở ngắn hạn từ năm 2018-2021 và trong dài hạn từ năm 2022-2024.
Một biện pháp khác để chống khói bụi lan tràn ở Bangkok là cấm các phương tiện xả “khói bẩn” lưu thông trên đường phố.
Cảnh sát và thanh tra Cục Giao thông đường bộ được lệnh phối hợp tăng cường kiểm tra nồng độ khí thải của phương tiện cơ giới và có quyền cấm lưu thông nếu phát hiện phương tiện xả thải vượt ngưỡng cho phép, nhất là xả ra bụi mịn PM2.5. Phương tiện cơ giới sẽ chỉ được tham gia giao thông nếu được sửa chữa hoặc thay thế.
Tính đến tháng 8/2019, Bangkok có 10,5 triệu xe ô tô đăng ký với Cục Đường bộ, trong khi còn rất nhiều người lái xe vào thành phố từ nơi ở tại các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cũng cho triển khai lắp đặt tháp lọc không khí cỡ lớn ở trung tâm thủ đô trong tháng 10.
Nếu tháp lọc không khí này phát huy hiệu quả, nhiều tháp lọc nữa sẽ được lắp đặt trên khắp Bangkok. Mỗi tháp trị giá 5,3 triệu baht (khoảng 173.000 USD), có chiều cao 4m, rộng 1,5m, nặng 200kg, có thể lọc không khí trên diện tích 1.000m2.
BMA còn đang đề nghị Hội đồng thành phố phê chuẩn ngân sách mua 6 xe phun nước để giúp giảm khói bụi./.